THCL Nhiều xuất xứ, nguồn gốc khác nhau, lời quảng cáo đường mật cùng với sự pha trộn nguyên liệu đang khiến người tiêu dùng bối rối trước những quán “thương hiệu gia truyền”.

Nghiêm trọng hơn, chính những thương hiệu “nức tiếng” đó cũng đang gặp nhiều khó khăn để khẳng định, bảo tồn, giữ gìn tên tuổi của chính mình.

Lạc vào ma trận…

Tại một số tuyến phố Hà Nội, không khó để có thể bắt gặp những tấm biển quảng cáo “gia truyền chính hiệu”. Từ những thương hiệu có xuất xứ lâu đời cho đến những tên tuổi mới ra đời không lâu, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, hàng loạt cửa hàng đã được “nhân bản” lên với con số chóng mặt.

Thương hiệu bún chả Sinh Từ - một trong những quán bún chả ngon nhất nhì Hà thành là một ví dụ điển hình. Nhiều người dân sinh sống ở con phố này cho biết, khách đến quán ăn rất đông, không chỉ có người Việt Nam, mà cả khách nước ngoài cũng ưa thích hương vị bún chả ở đây. Trước đây, cả phố chỉ có một quán duy nhất, sau này, mọc lên vài quán bún chả Sinh Từ. Tại phố Nguyễn Khuyến, có tới 3 cửa hiệu bán bún chả mang thương hiệu Sinh Từ “chính hiệu” nằm sát cạnh nhau, khách muốn tìm đến ăn bún chả, không khỏi bối rối vì không biết quán nào là bún chả Sinh Từ chính hiệu?

“Nức tiếng” hơn, thương hiệu Phở 10 Lý Quốc Sư là một cái tên không thể không nhắc tới khi nói về phở Việt Nam. Bắt nguồn từ một cơ sở kinh doanh chính trên phố cổ Hà Nội - phố Lý Quốc Sư, hiện nay, quán phở đã mở thêm 3 chi nhánh ở các phố Hàng Vôi, Hoàng Minh Giám và Tô Hiệu. Phở Lý Quốc Sư không chỉ là một địa điểm nổi tiếng về món phở ở trong nước, mà còn được nhiều khách du lịch nước ngoài biết đến với hương vị đặc biệt. Đa số, khách nước ngoài tới Việt Nam đều tìm đến để thưởng thức hương vị đặc biệt của món phở này.

Tuy thương hiệu nổi tiếng này mới chỉ có tất cả 4 cơ sở ở Hà Nội, nhưng số lượng cửa hàng có biển hiệu Phở 10 Lý Quốc Sư lại nhiều không kể hết. Chỉ cần đi dọc các con phố Nguyễn Xiển, Cổ Nhuế, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Văn Quán..., có thể thấy hàng chục quán phở đề biển “Phở 10 Lý Quốc Sư”... Từ đó, vô tình những quán “thương hiệu nhái” mọc lên bằng cách ăn theo tên tuổi của những thương hiệu gia truyền chính đang ngày ngày hủy hoại tên tuổi của những quán “gia truyền chính hiệu thật”.

“Biết nhưng đành chịu…”

Những thương hiệu gia truyền nổi tiếng tồn tại đến ngày nay, đều phải trải qua thời gian thử thách khốc liệt mới có thể chiếm được lòng tin và sự đón nhận của khách hàng. Những chủ thương hiệu đó, họ vẫn đang chật vật tìm cách để bảo vệ tên tuổi của mình. Do đó, việc các cơ sở kinh doanh khác tự ý sử dụng chung thương hiệu khi chưa có sự xin phép là việc thiếu công bằng với những quán chính hiệu.

Bà chủ bún chả tại địa chỉ 57A kể, quán có từ năm 1954, do mẹ ruột làm chủ, sau đó bà tiếp quản tới tận bây giờ: “Lúc đầu, bún chả Sinh Từ chỉ có một cơ sở, do khách hàng đông quá nên gia đình phải thuê nhà bên cạnh để mở thêm một cơ sở nữa. Sau khi hết thời hạn hợp đồng, chúng tôi trả lại nhà và từ đó quán bún chả Sinh Từ “nhái” bắt đầu hoạt động cạnh tranh với cửa hàng nhà tôi trên cơ sở chúng tôi đã thuê mặt bằng”.

Theo bà chủ quán, từ khi xuất hiện thêm nhiều quán bún chả Sinh Từ, không ít khách hàng do không biết đã vào nhầm quán, sau đó phàn nàn về chất lượng của món ăn có sự thay đổi và không được ngon. Nhắc tới chuyện đăng ký bản quyền, chủ quán cho biết, khi đi đăng ký bản quyền thương hiệu thì không được chấp nhận do Sinh Từ là tên phố. Chính vì thế, dù biết nhiều cửa hàng bún chả lấy tên Sinh Từ để cạnh tranh nhưng cũng đành chịu, không kiện họ được và khách hàng cũng phải chấp nhận chuyện tràn lan các quán giống nhau.

Cùng chung chuyện “ậm ừ” bản quyền như phở Lý Quốc Sư, bún chả Sinh Từ, bánh cáy Thái Bình tồn tại hơn 200 năm tuổi, cũng đang đứng trước tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn ngập thị trường. Người tiêu dùng vẫn lúng túng, loay hoay chọn lựa giữa bạt ngàn bao bì ghi “đặc sản làng Nguyễn” nhưng lại không phải chính hiệu.

Chị Hoàng Thị Xuân (chủ cơ sở sản xuất bánh cáy Thường Xuân) chia sẻ: “Việc bắt gặp bánh giả thương hiệu làng Nguyễn trên thị trường là không hiếm và không khó nhận ra. Tôi đã từng thấy những quầy bán bánh cáy nhái ở Đền Bà Chúa Kho. Người ta ép phỏng với lạc làm thành bánh (trong khi bánh cáy Thái Bình được làm từ gạo nếp hoa vàng, đường tinh luyện, mật mía, lạc, cà rốt, dừa…), chi phí nguyên liệu chỉ khoảng 3.000 - 4.000 đồng, nhưng vẫn bán với giá 20.000 - 25.000 đồng tùy theo loại to, nhỏ như các sản phẩm chính hiệu. Biết là bị nhái hàng, nhưng cũng chẳng làm được gì vì hiện tại gia đình mới chỉ lấy tên là cơ sở sản xuất gia truyền, chứ chưa đăng ký thành sản phẩm thương hiệu độc quyền, có thời gian, gia đình mất khách vì lý do đó”.

Mai Linh (TH&CL)