Thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg, Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời tham mưu, đề nghị HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 01/2023/NQ-HĐND ngày 24/3/2023 sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 185/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về điều kiện, trình tự hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, theo đó giao UBND cấp huyện thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP; đồng thời, hướng dẫn 9 huyện:
Thạch Thành, Đông Sơn, Hà Trung, Lang Chánh, Thiệu Hóa, Quảng Xương, Như Xuân, Như Thanh và Triệu Sơn tổ chức đánh giá, phân hạng 37 sản phẩm OCOP 3 sao.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh đã có 354 sản phẩm OCOP tại 221 xã, phường, thị trấn thuộc 27 huyện, thị xã, thành phố của 260 chủ thể (gồm 60 doanh nghiệp, 87 HTX, 9 tổ hợp tác, 104 hộ sản xuất, kinh doanh). Trong đó, có 1 sản phẩm đạt 5 sao (mắm tôm Lê Gia), 54 sản phẩm đạt 4 sao, 299 sản phẩm đạt 3 sao.
Một số điểm mới trong Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021 - 2025
Về phân nhóm sản phẩm, bổ sung thêm 3 bộ sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm sinh vật cảnh, gồm:
Hoa, cây cảnh và động vật cảnh; gộp nhóm vải và may mặc với lưu niệm - nội thất - trang trí thành nhóm hàng thủ công mỹ nghệ; sửa tên nhóm dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng thành nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm bán hàng; sửa tên nhóm thảo dược thành nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu.
Về nội hàm, nội dung của các tiêu chí:
Đối với sản phẩm tươi sống thì tiêu chí thể hiện là nguồn gốc sản phẩm (thay vì nguyên liệu); liên kết chuỗi sản xuất được quy định theo khối lượng đầu vào/nguyên liệu đầu vào; làm rõ yêu cầu về nguồn gốc, ý tưởng sản phẩm theo hướng đặc trưng, nổi trội, bản sắc, trí tuệ địa phương; yêu cầu về bao bì, ghi nhãn hàng hóa...;
Nâng cao điểm số đánh giá về vai trò và sức mạnh của cộng đồng, như: sử dụng nguyên liệu địa phương (tăng từ 3 điểm lên 5 điểm); liên kết sản xuất (tăng từ 2 điểm lên 3 điểm), sử dụng lao động địa phương (tăng từ 1 điểm lên 3 điểm);
Nâng cao điểm số đánh giá thể hiện về chất lượng sản phẩm, đặc biệt là nâng cao giá trị văn hóa, câu chuyện sản phẩm, bao bì sản phẩm trong Bộ tiêu chí, cụ thể: Nguồn gốc ý tưởng sản phẩm (tăng từ 3 điểm lên 4 điểm); trí tuệ/bản sắc địa phương (tăng từ 3 điểm lên 5 điểm); phong cách, ghi nhãn hàng hóa (tăng từ 2 điểm lên 3 điểm).
Về bổ sung một số chỉ tiêu mới, bổ sung một số tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP; khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, như: Sở hữu trí tuệ; tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm; điểm khuyến khích cho chủ thể là nữ/đồng bào dân tộc thiểu số…
Theo quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP mới, hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được sửa đổi theo hướng giảm bớt các biểu mẫu, như: phiếu đăng ký sản phẩm tham gia chương trình; phương án sản xuất, kinh doanh… Đồng thời, bổ sung “báo cáo tự đánh giá của chủ thể”.
Ngoài ra, việc đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cũng được phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao.
Điều này, sẽ giảm tải khối lượng công việc cho hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm cao hơn trong đánh giá sản phẩm.
Một số vấn đề đặt ra
Trước khi Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành, các địa phương tổ chức đánh giá các sản phẩm OCOP tại hội đồng OCOP cấp huyện và trình cấp tỉnh đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao.
Tuy nhiên, do trong quá trình tổ chức đánh giá, xếp hạng ở một số huyện còn chưa thực sự chặt chẽ, một số địa phương còn dễ dãi trong quá trình tổ chức đánh giá một số tiêu chí, có phần coi trách nhiệm đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP là của Hội đồng OCOP cấp tỉnh.
Vì vậy, khi bắt đầu triển khai đánh giá, xếp hạng sản phẩm 3 sao ở cấp huyện thì nhiều địa phương lúng túng trong công tác đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP. Phần lớn các địa phương đang phụ thuộc vào lực lượng tư vấn khi hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; vai trò hỗ trợ của huyện, của xã chưa được phát huy; sự tham gia của chủ thể trong việc hoàn thiện hồ sơ và tự đánh giá, chấm điểm cho sản phẩm của mình chưa được chú trọng nên chất lượng và tính bền vững của sản phẩm không cao.
Việc thành lập Hội đồng cấp huyện: Theo quy định các thành viên trong hội đồng OCOP cấp huyện có từ 9 - 11 thành viên; trong đó, thành phần bắt buộc là đại diện các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường và sở quản lý sản phẩm.
Việc quy định trên gây khó khăn, lúng túng trong việc tham mưu thành lập hội đồng OCOP và quy chế hoạt động của hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tại cấp huyện. Việc yêu cầu các sở cử thành viên tham gia hội đồng cấp huyện cũng gây khó khăn cho các sở trong việc bố trí cán bộ tham gia tại 27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Từ thực tế trên, đòi hỏi các địa phương:
Cần nghiên cứu kỹ các nội dung trong Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ để xây dựng kế hoạch, lộ trình các đợt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 (bao gồm sản phẩm đã đăng ký năm 2023, sản phẩm đến kỳ đánh giá lại, sản phẩm đăng ký nâng hạng, sản phẩm mới bổ sung…);
Chủ động hướng dẫn chủ thể tham gia chu trình OCOP hoàn thiện hồ sơ sản phẩm; hướng dẫn các chủ thể những nội dung cần sự hỗ trợ của các đơn vị tư vấn nếu chủ thể không tự thực hiện được; chủ động, trách nhiệm góp ý, hướng dẫn những nội dung trong hợp đồng kinh tế giữa chủ thể với các đơn vị tư vấn, để giảm chi phí của chủ thể trong quá trình hoàn thiện hồ sơ;
Đồng thời, triển khai thực hiện chu trình OCOP một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đặc điểm của sản phẩm, phát huy các điều kiện về nguồn nguyên liệu, lao động địa phương, lợi thế về chất lượng sản phẩm.
Ngoài phần chính sách hỗ trợ của tỉnh, các địa phương cần:
Chủ động lồng ghép các chương trình, kế hoạch, các cơ chế, chính sách để hỗ trợ các chủ thể ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị, bao bì nhãn mác... để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP được công nhận;
Quan tâm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông sản phẩm OCOP, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các chủ thể OCOP ngày càng hoàn thiện nâng cao chất lượng sản phẩm; đáp ứng được tiêu chí của các siêu thị, nhà phân phối để mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
PV (T/h)