Trận hải chiến lịch sử
Lê Văn Thoa (tên thường gọi là Lê Minh Thoa) sinh năm Mậu Thân (1968) tại đất võ Tây Sơn, Bình Định. Năm 1985, Minh Thoa nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi.
Ban đầu, Lê Văn Thoa được đơn vị cử đi học ngành cơ điện tại Trường Dạy nghề Hải Quân. Kể từ tháng 11/1985, Văn Thoa trở thành Hạ sỹ quan của Hải đội 1, thuộc Lữ đoàn 125 Hải Quân, đóng tại Tân Cảng- TP. Hồ Chí Minh. Tại đây, Minh Thoa được phân công làm nhiệm vụ trên tàu HQ 602. Kể từ đó, cuộc sống của Lê Văn Thoa gắn liền với tàu - biển – đảo. Ngày tháng trôi qua, Lê Văn Thoa và đồng đội đã nhiều lần đưa tàu từ đất liền chở nguyên vật liệu ra Trường Sa. Riêng Thoa, nhiệm vụ chính của anh là sửa chữa máy móc trên tàu.
Đối với Lê Văn Thoa, Tết Mậu Thìn (1988) trở thành “dấu ấn cuộc đời” của anh. Theo đó, Tết năm ấy, anh và một đồng đội cùng đơn vị được tăng cường sang tàu HQ-604 làm nhiệm vụ tạ đảo Gạc Ma, thuộc cụm đảo Sinh Tồn – quần đảo Trường Sa. Đó là ngày 11/03/1988. Lê Văn Thoa nhớ lại: "Khi đó, tôi đã có linh cảm về những “sóng gió cuộc đời” mà mình sẽ phải đương đầu trong thời gian tới. Thậm chí, có thể sẽ không còn trở về quê hương. Tuy nhiên, tôi và các đồng đội đều xác định: Quyết tâm vượt qua khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ. Và, chúng tôi đã nắm chặt tay nhau tỏ rõ lòng quyết tâm".
Ngay sau khi chuyển qua tàu HQ-604, Văn Thoa cùng đồng đội khởi hành và đi 02 ngày 03 đêm thì tới gần vùng biển cách đảo Gạc Ma khoảng 01 km. Tuy nhiên, khi tàu HQ-604 vừa thả neo chừng 30 phút thì đồng đội Thoa phát hiện tàu hộ vệ của Hải quân Trung Quốc cũng chạy về phía Gạc Ma. Lê Văn Thoa kể: “Khoảng 17h ngày 13/03/1988, tàu Hải quân Trung Quốc áp sát tàu HQ604 của ta và dùng loa gọi sang với những lời lẽ khiêu khích. Mặc dù vậy, thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, anh em đơn vị 02 tàu HQ 604 đã bình tĩnh, chủ động, quyết tâm neo đậu giữ đảo và không để mắc mưu địch. Tiếp đó, đồng chí Vũ Phi Trừ, Thuyền trưởng - chỉ huy nhận lệnh tiếp cận đảo Gạc Ma và nhanh chóng chuyển vật liệu xây dựng lên đặt mốc chủ quyền lên đảo Gạc Ma. Đúng 24h ngày 13/03/1988, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ đặt mốc chủ quyền và cắm cờ Tổ quốc lên đảo Gạc Ma. Tiếp đó, một nhóm chiến sĩ của ta được giao nhiệm vụ canh gác trên đảo. Số còn lại thì dùng xuồng bốc vác, vận chuyển vật liệu từ tàu vào đảo Gạc Ma”..
Và chỉ vài giờ đồng hồ sau thì “trận hải chiến lịch sử” đã diễn ra. Lê Văn Thoa nhớ lại: “Rạng sáng ngày 14/03/1988, Trung Quốc dùng 05 xuồng nhôm đưa vài chục lính thủy mang theo súng AK lưỡi lê bao vây đảo Gạc Ma. Thuyền trưởng Vũ Phi Trừ hạ lệnh cho các chiến sĩ chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ đảo. Cán bộ, chiến sĩ đơn vị lùi dần về phía lá cờ Tổ quốc và tạo thành “vòng tròn bất tử”. Quân Trung Quốc xông lên đảo cắm cờ, quân ta đánh giáp lá cà với địch để căm cờ Tổ quốc lên đảo. Hai bên giằng co nhau được một lúc thì quân Trung Quốc bất ngờ nổ súng bắn vào quân ta làm nhiều người thương vong. Tiếp đó, Trung Quốc thả thêm nhiều ca-nô đưa hàng trăm lính vũ trang tràn lên đảo. Trước tình thế trên, đơn vị đã dùng loa kêu gọi: "Đây là đảo chủ quyền của Việt Nam, yêu cầu quân đội Trung Quốc phải rời đảo". Song quân đội Trung Quốc không chỉ bất chấp thiện chí của ta, thậm chí còn sử dụng pháo 100mm bắn vào tàu HQ-604, làm tàu của ta bị hư hỏng. Trước thế trận không cân sức, nhưng cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-604 vẫn dũng cảm dùng súng AK đánh trả, buộc lính Hải quân Trung Quốc phải nhảy xuống biển. Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục bắn phá làm tàu HQ-604 bị hư hỏng nặng và chìm dần xuống biển. 64 cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng hy sinh cùng tàu HQ-604 ở khu vực đảo Gạc Ma – Trường Sa.
1.000 ngày trong nhà tù Trung Quốc
Theo cựu binh Lê Văn Thoa, trận đánh ở đảo Gạc Ma không phải là “trận hải chiến” mà thực chất là một cuộc thảm sát dã man của quân đội Trung Quốc đối với Hải quân ta. Riêng bản thân Minh Thoa, khi tàu HQ-604 bị địch bắn chìm, anh đã bị thương nặng. Trước tình thế cấp bách, anh đã nhảy xuống biển và vớ được hai quả bí xanh (lương thực của tàu HQ-604). Chính nhờ 02 quả bí này mà Lê Văn Thoa đã sống sót. Anh nhớ lại: “Cảnh tượng khi đó thật hãi hùng. Trung Quốc liên tiếp nã súng vào các chiến sĩ của ta đang bơi vào bờ, hoặc đã bị thương, nằm ngất trên mặt nước”. Còn Lê Văn Thoa, trong tình thế sinh-tử đó, “cái khó ló cái khôn”. Anh quyết định không bơi vào bờ mà ôm 02 quả bí xanh bơi ra xa… Văn Thoa tâm sự: “Khi đó tôi nghĩ, nếu có chết thì mình thà làm mồi cho cá mập hoặc chết đói, chết khát trên biển chứ quyết không chết vì những viên đạn của quân Trung Quốc”.
Thế rồi, qua gần 01 ngày lênh đênh trên biển, do vết thương rỉ máu nhiều nên Lê Văn Thoa dần đuối sức. Bỗng Văn Thoa thấy bóng 01 chiếc tàu của Trung Quốc tiến lại gần. Anh vội dồn hết sức để bơi đi. Thấy Văn Thoa ôm 02 quả bí xanh, địch tưởng anh ôm… bom nên chúng liên tục nã đạn bắn về phía anh. Một lúc sau, không thấy bom nổ, địch mới dùng cây, quất dây kéo Thoa lên tàu. Chúng bịt mắt Thoa bằng băng đen rồi đánh đập dã man khiến anh chết ngất. Sau khi tra tấn, địch đưa anh vào chỗ nhốt cùng 08 chiến sĩ Hải quân Việt Nam của các tàu HQ-604, HQ-605, HQ-505. Toàn bộ 09 chiến sĩ của ta bị địch địch bắt, nằm lăn lóc trên tàu và suốt mấy ngày đêm không được ăn, uống… Sau 03 ngày đêm, địch đưa Lê Văn Thoa và 08 chiến sĩ ta đến đảo Hải Nam (Trung Quốc). Toàn bộ 09 chiến sĩ bị bịt mắt và đưa đến một bệnh viện. Tiếp đó, địch đưa 09 chiến sĩ ta đến một trạm thu dung ở bán đảo Lôi Châu, Quảng Đông – Trung Quốc. Tại đây, trong suốt hơn 01 năm trời, 09 chiến sĩ bị địch sử dụng hình thức “biệt giam”. Thời gian đầu, Lê Văn Thoa và 08 chiến sĩ ta bị bọn cai ngục đánh đập dã man. Về sinh hoạt, mỗi ngày địch chỉ cấp cho mỗi người 03 cái bánh mì tròn (nhỏ như bánh bao), rỗng ruột và 01 bát nước cháo nhạt thếch… Không chỉ có vậy, Lê Văn Thoa và 08 chiến sĩ ta còn bị Trung Quốc tiêm một thứ thuốc mà không rõ là thuốc gì. Sau này gặp lại nhau, một số chiến sĩ mới phát hiện da của mình bị bủn nhũn, chỉ cần dí ngón tay mạnh vào là bị thương một lỗ và chảy máu…
Riêng đối với Lê Văn Thoa, những ngày tháng bị Trung Quốc giam cầm là những dấu ấn không thể nào quên. Thậm chí, anh còn đếm kỹ từng ngày, từng giờ… Theo đó, tổng cộng thời gian anh và 08 chiến sĩ Gạc Ma sống trong nhà tù Trung Quốc là 03 năm, 07 tháng, 15 ngày.
Tiếp tục là những sóng gió cuộc đời
Sau 1.000 ngày bị Trung Quốc giam cầm với bao cay đắng và phải hứng chịu những đòn thù của địch, tháng 09/1991, Lê Văn Thoa và 08 chiến sĩ Gạc Ma được trả tự do. Văn Thoa nhớ lại: Năm 1989, Hội Chữ thập đỏ Quốc tế đến nhà tù và tiếp cận được những người lính Việt Nam bị Trung Quốc bắt nhốt ở đây. Nhờ vậy, anh và 08 chiến sĩ của ta mới được trả tự do.
Theo đó, năm 1991, tại cửa khẩu Bằng Tường, 09 chiến sĩ của ta đã được phóng thích. Trở về Tổ quốc, Lê Văn Thoa và 08 đồng đội được đưa về an dưỡng tại Nhà khách Hải quân. Tại đây, các chiến sĩ được khám và điều trị vết thương, xác định thương tật. Đặc biệt, Lê Văn Thoa đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng Ba. Sau một thời gian an dưỡng tại Nhà khách Hải quân, Lê Văn Thoa tiếp tục phục vụ trong trạm sửa chữa- Phòng kỹ thuật- Lữ đoàn 125. Trong quá trình công tác, Văn Thoa lại được tặng thưởng Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba và Huân chương chiến sĩ vẻ vang hạng Nhì. Công tác tại Phòng kỹ thuật- Lữ đoàn 125 cho đến ngày 30/11/1996 thì Lê Văn Thoa xuất ngũ.
Về lại quê nhà Bình Định, Lê Văn Thoa mới được biết: Sau trận hải chiến Gạc Ma, gia đình anh đã nhận được “Giấy báo tử” nên đã lập bàn thờ cúng sống anh… Không chỉ có vậy, chàng cựu binh Gạc Ma Lê Văn Thoa lại phải tiếp tục đương đầu trước những sóng gió của cuộc đời…Tâm sự với chúng tôi, Lê Văn Thoa cho biết: Anh rời quân ngũ với vết thương và những nỗi đau do mảnh đạn thù còn nằm trong cơ thể. Tuy nhiên, với phẩm chất người lính, anh đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bệnh tật và làm đủ thứ nghề để nuôi sống bản thân và gia đình.
Theo đó, ban đầu Lê Văn Thoa vào TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa làm nghề xe ôm. Sau đó, anh vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê. Người vợ đầu của Thoa không chịu nỗi cảnh khổ cực nên đã “dứt áo ra đi”, bỏ lại cho anh 03 đứa con thơ, trong đó người con trai út mới 04 tháng tuổi. Trước tình cảnh khốn khó, Lê Văn Thoa đành phải trở về TP. Quy Nhơn để nhờ ông bà nội giúp đỡ. Cũng theo Lê Văn Thoa, khi đó ba mẹ anh tuổi đã cao, chỉ sống bằng nghề bơm, vá xe, bán xăng lẻ. Vì vậy, Thoa đã phải bươn chải, làm đủ thứ công việc. Nhưng vì sức khỏe có hạn, trong khi công việc nặng nhọc, vất vả, Thoa quyết định theo học nghề đầu bếp rồi xin vào làm việc ở một nhà hàng. Tuy nhiên, do thu nhập ở nhà hàng quá thấp, không đủ để trang trải, nuôi con nên Thoa quyết định nghỉ và về mở quán phở ở 05D đường Tăng Bạt Hổ, TP. Quy Nhơn. Quán phở này mang tên “Gạc Ma – Trường Sa”.
Giữ vững phẩm chất “cựu binh Gạc Ma”
Theo cựu binh Lê Văn Thoa, anh đặt tên quán phở là “Gạc Ma - Trường Sa” là để lưu giữ, khắc ghi những kỷ niệm về trận hải chiến lịch sử, đồng thời cũng là để tự nhắc nhớ mình không bao giờ được quên những đồng đội đã ạnh dũng hy sinh để bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đáng lưu ý, trong không gian nhỏ hẹp của quán phở, Lê Văn Thoa đã trưng bày, giới thiệu những hình ảnh về Gạc Ma – Trường Sa, trong đó có những hình ảnh của anh và các cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam…
Trò chuyện với chúng tôi, Lê Văn Thoa chia sẻ: Hình như anh nhận được phù hộ của các liệt sĩ Gạc Ma nên quán phở “Gạc Ma – Trường Sa” ngày càng thu hút nhiều khách hàng. Không chỉ người dân Quy Nhơn – Bình Định, nhiều du khách từ phương xa cũng tìm đến quán phở “Gạc Ma – Trường Sa” để thưởng thức hương vị phở đặc biệt ở đây và để tìm hiểu về lịch sử trận hải chiến Gạc Ma…
Không chỉ có vậy, mặc dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, song Lê Văn Thoa luôn giữ vững phẩm chất của một cựu binh Gạc Ma. Theo đó, bên cạnh việc hoà đồng, thân thiện với bà con nhân dân khu phố, Văn Thoa còn tích cực tham gia Hội Cựu chiến binh, dân quân khu vực 08, phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn. Anh còn nhiệt tình tham gia các chương trình “Gặp mặt truyền thống cựu binh Gạc Ma – Trường Sa”; Chương trình “Nghĩa tình đồng đội Trường Sa”, tặng quà, hỗ trợ các thương binh, liệt sĩ, con em đồng đội Gạc Ma…
Và, những nỗ lực trong việc giữ gìn phẩm chất cựu binh Gạc Ma của Lê Văn Thoa đã được đền đáp. Theo đó, nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của các đồng chí cán bộ, cựu chiến binh và anh em báo chí, cựu binh Gạc Ma Lê Văn Thoa đã được công nhận “Chiến sĩ bị địch bắt tù đày”. Tiếp đó, Lê Văn Thoa đã được giám định thương tật và được hưởng chế độ thương binh bậc 04/04…
35 năm đã trôi qua, song trận hải chiến Gạc Ma vẫn còn in đậm trong suy nghĩ, tình cảm của hàng triệu người dân đất Việt. Lịch sử sẽ mãi mãi khắc ghi về sự kiện trọng đại của đất nước… Riêng đối với Lê Văn Thoa, anh và các chiến sĩ, liệt sĩ Gạc Ma sẽ mãi là niềm tự hào của tuổi trẻ miền đất võ Bình Định.
Viết Hiền