Ông Trần Văn Ngọc (57 tuổi, trú thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) cho biết, năm 2001 nhà ông cách điểm sạt lở hơn 70 m, hiện biển đã “ăn” đến móng nhà của ông. Mỗi năm, sạt lở nuốt chửng lấn vào khu vực nhà ông từ 15 – 20 m, mặc dù ở gần khu vực sạt lở đã có một đoạn kè, nhưng vẫn không có tác dụng gì.
Ông Lê Lương (46 tuổi, trú thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận) cho hay, gia đình ông ở đây đã hơn 30 năm, trước đây tình trạng sạt lở diễn ra không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng sạt lở diễn ra với tốc độ rất nhanh.
Tại khu vực bị sạt lở, theo quan sát của PV, hàng trăm mét bờ biển bị sạt lở nghiêm trọng, tiến sát vào móng nhà. Khu vực sạt lở đang dần bị ăn sâu và lỏm vào, những cây dương, cây dứa dại cũng không thể ngăn được biển xâm thực đánh bật gốc rễ nổi lên trên bề mặt cát. Ngoài ra, ngay cạnh đó một số nhà dân đã phải dời đi nơi khác vì lo sợ nhà bị đổ sập ảnh hưởng đến tính mạng, những ngôi nhà này cũng đang trong tình trạng hoang phế, lụi tàn.
Đường bờ biển bị sạt lở
Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận cho biết, chính quyền địa phương thường xuyên đi khảo sát khu vực sạt lở bờ biển diễn ra từ thôn Tân An kéo dài đến thôn Xuân An nhằm đưa ra các biện pháp xử lý kịp thờ tình trạng sạt lở. Tuy nhiên, vấn đề này rất khó để xử lý triệt để bởi tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nhanh.
“Vừa qua, UBND xã đã có động thái kiến nghị với Trường Đại học Nông lâm (Đại học Huế) để xin mấy trăm cây về trồng chống sạt lở bờ biển. Đồng thời, UBND xã cũng lên phương án quy hoạch các hộ dân có khoảng cách bờ biển khoảng 200m trở vào để tái định cư”, ông Tùy cho hay.
Nhà dân có nguy cơ bị biển "ăn" nếu sạt lở kéo dài
Về lâu dài, UBND xã sẽ kiến nghị lên các cấp để có phương án xây dựng kè bờ biển chống sạt lở. Bên cạnh biện pháp song song, chính quyền địa phương sẽ vẫn động các hộ dân di dời đến nơi cao ráo, an toàn, hướng dẫn người dân tái định cư để ổn định cuộc sống vì tình trạng sạt lở ngày càng diễn ra nghiêm trọng
Trương Duy