THCL Theo Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi gần 278 triệu USD NK rau quả, tăng 48% so cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, NTD đã không ngần ngại bỏ thêm chi phí để được sử dụng những mặt hàng rau, quả chất lượng cao.

Sẽ có khoảng 78.000 tấn vải thiều tiêu thụ trong nước và 52.000 tấn XK

Tránh hoa quả… Tàu

Tại Hà Nội, các siêu thị lớn như Big C, Aeon, Fivimart…, hoa quả cả NK và trong nước được bày bán với chủng loại đa dạng, số lượng dồi dào và mức giá cũng không quá mắc.

Chị Nguyễn Thị Loan, một tiểu thương bán buôn hoa quả tại chợ Long Biên cho biết, những năm trước, các loại hoa quả Trung Quốc như lê, táo, lựu, mận, đào… bán rất chạy do mẫu mã đẹp, giá rẻ thì nay, chúng không còn là sự lựa chọn số 1 của nhiều NTD. Hoa quả Việt Nam theo mùa (ổi, táo, na, bưởi, cam, dứa, mít, vải, nhãn, bơ…) giá cả phải chăng, chất lượng bảo đảm đã từng bước đánh bật hoa quả Trung Quốc.

Bất chấp cái nắng gay gắt, “Tuần lễ vải thiều Bắc Giang tại Hà Nội” đã gặt hái được những thành công ngoài mong đợi trong những ngày cuối tháng 6 vừa qua. Trong thời gian diễn ra "Tuần lễ vải thiều", NTD Hà Nội còn có thể tìm đến các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ đầu mối như hệ thống Siêu thị Big C, Co.opmart, Hapro, Fivimart, Aeon... để tiếp cận với sản phẩm chính thống của thương hiệu vải thiều Lục Ngạn đạt tiêu chuẩn SX thực hành nông nghiệp tốt – VietGAP và GlobalGAP.

Nhiều người đã tỏ ra hào hứng vì có thể mua vải thiều Lục Ngạn tươi rói ngay tại Hà Nội. Đại diện quầy vải thiều tại siêu thị BigC Hà Nội cho biết, trong Tuần lễ vải thiều Bắc Giang, mỗi quầy vải tại đây tiêu thụ từ 3 - 4 tấn vải tươi/ngày, thế nhưng có thời điểm vẫn… “cháy” hàng. Vải thiều giới thiệu tới người dân Thủ đô được bày bán với bao bì, nhãn mác, ghi chú đầy đủ các thông tin về nguồn gốc xuất xứ, đủ tiêu chuẩn XK sang Hoa Kỳ và châu Âu.

Tìm đường xuất ngoại

Tại Hội nghị bàn giải pháp tiêu thụ trái vải thiều năm 2016 với các tỉnh trên cả nước, UBND tỉnh Bắc Giang đã ước tính sản lượng vải thiều của địa phương hơn 100.000 tấn; sản lượng vải sớm khoảng 23.000 tấn.

Để vải thiều chất lượng cao đến được tay NTD, ông Đặng Quang Thiệu, GĐ Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (Bộ KH&CN) cho biết, vụ vải thiều này, ngoài TP. HCM, trung tâm sẽ đưa vào sử dụng hệ thống chiếu xạ tại Hà Nội, qua đó giúp các DN XK vải thiều giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh cho quả vải ở thị trường nước ngoài.

Ông Nguyễn Tiến Vượng, Phó TGĐ TCT Thương mại Hà Nội khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Bắc Giang bố trí điểm giới thiệu và bán vải thiều tại hệ thống cửa hàng, siêu thị. TP. HCM cũng sẽ chung tay cùng Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều tại thị trường phía Nam.

Ông Trần Quang Tấn, GĐ Sở Công thương Bắc Giang cũng nhận định, việc các siêu thị lớn của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung đồng loạt vào cuộc, không chỉ chứng tỏ chất lượng, mẫu mã quả vải đã đáp ứng được yêu cầu của siêu thị, mà đây còn được xem là giải pháp, giúp tăng tiêu thụ vải trong nước, bớt phụ thuộc vào XK.

Dự báo năm nay, vải thiều sẽ tiêu thụ nội địa khoảng 60% tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP. HCM và XK khoảng 40%. Bộ Công thương cũng cho biết, XK vải thiều năm nay khá thuận lợi, kim ngạch XK vải thiều vụ năm nay đã thu được 42 triệu USD. Vụ vải thiều năm nay, sẽ có khoảng 78.000 tấn tiêu thụ trong nước và 52.000 tấn XK. Và thị trường chính của vải thiều XK năm nay sẽ vẫn là Trung Quốc, thông qua một số cửa khẩu trên địa bàn các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh.

Việc tìm đầu ra cho trái vải thiều - sẽ là những bước đi đầu tiên để trái cây Việt Nam có được vị trí xứng đáng trên thị trường nội địa cũng như XK, qua đó giúp trái cây Việt đứng vững trên thị trường.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đề xuất, tiếp nối hiệu quả việc tiêu thụ vải thiều tại thị trường trong nước, nhất là các tỉnh phía Nam và miền Trung, ngoài thị trường XK truyền thống là Trung Quốc, tới đây sẽ quan tâm đẩy mạnh XK trái cây sang một số quốc gia “khó tính” như Hoa Kỳ, Australia... và chế biến XK sang châu Âu.

Cao Huyền