Hiệp hội Nhựa đề xuất lập Quỹ tái sinh môi trường - Hình 1

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, việc nhập khẩu nhựa phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là cần thiết và hiệu quả

Hiệp hội Nhựa Việt Nam vừa có văn bản gửi Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhằm góp ý sửa đổi danh mục nhập khẩu phế liệu (tại Quyết định 73/2014 của Thủ tướng) và QCVN 32, theo đề nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại cuộc họp hôm 23/8.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, ngành nhựa là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất hiện nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của ngành gắn chặt với lượng nguyên liệu nhập khẩu. Trong 10 năm qua, để có mức tăng trưởng 15 – 20%/năm, ngành nhựa phải nhập tới 80% nguyên liệu.

Hiệp hội dự kiến đến năm 2023, ngành nhựa cần khoảng 10 tấn nguyên liệu nhựa, nhưng trong số đó, Việt Nam chỉ tự sản xuất được 2,6 triệu tấn. 7,4 triệu tấn còn lại phải nhập từ nước ngoài. Do đó, giải pháp phù hợp và hiệu quả nhất là bù đắp một phần bằng nguyên liệu nhựa tái sinh.

Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, việc nhập khẩu nhựa phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là cần thiết và hiệu quả. Do dó, Hiệp hội Nhựa Việt Nam đề xuất sửa đổi một số nội dung của danh mục nhập khẩu phế liệu nhựa tại Quyết định 73/2014 và QCVN 32.

Cụ thể, với danh mục nhập khẩu phế liệu nhựa, hiệp hội kiến nghị bổ sung các mặt hàng: phế liệu và mẫu vụn của plastic (nhựa) từ polyme propylene (PP) dạng xốp, không cứng; phế liệu và mẫu vụn của plastic (nhựa) từ polyme propylene (PP) loại khác; phế liệu và mẫu vụn của plastic (nhựa) từ polyme terephtalete (PET) dạng xốp, không cứng; phế liệu và mẫu vụn của plastic (nhựa) từ polyme terephtalete (PET) loại khác; phế liệu và mẫu vụn từ plastic (nhựa) khác; loại bỏ một số loại nhựa có nguồn gốc sinh hoạt như chai đựng thực phẩm, hóa chất, bao bì đóng gói thực phẩm.

Với QCVN, hiệp hội kiến nghị xóa bỏ điều 2.13; sửa đổi điều 2.1.4 theo hướng bỏ cụm từ “làm sạch để”; sửa điều 2.2.2; sửa điều 2.2.3; đề nghị tạp chất cho phép lẫn trong các lô hàng không vượt quá 5% và đáp ứng yêu cầu quy định tại mục 2.4 của Quy chuẩn.

Ngoài kiến nghị sửa đổi danh mục và QCVN 32 như trên, Hiệp hội Nhựa Việt Nam còn đề xuất Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quy định về việc thành lập Quỹ “Tái sinh môi trường” do các doanh nghiệp tham gia hoạt động tái chế phế liệu đóng góp. Các tính phí từ mức 50.000 – 100.000 đồng/tấn nguyên liệu tính theo số lượng nhập khẩu của doanh nghiệp. Dự kiến, quỹ này sẽ thu được từ 500 – 1000 tỷ đồng/năm.

Theo hiệp hội, quỹ này sẽ được sử dụng cho việc xây dựng các nhà máy xử lý nước hải cho các làng nghề tái chế, tuyên truyền va hỗ trợ phân loại rác thải tại nguồn, tiêu hủy các lô hàng phế liệu nhập khẩu không đủ tiêu chuẩn, thanh tra việc chấp hành pháp luật về môi trường trong các nhà máy tái chế.

PV