Hành trình phát triển của Trường bồi dưỡng cán btài chính

Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính là tổ chức thuộc Bộ Tài chính, có nhiệm vụ đào tạo bồi dưỡng kiến thức theo tiêu chuẩn chức danh các ngạch công chức, viên chức; Bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên ngành và các kiến thức khác cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính theo phân công, phân cấp quản lý của Nhà nước và của Bộ Tài chính; Bồi dưỡng kiến thức quản lý, nghiệp vụ về tài chính, kế toán và các kiến thức khác thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc các Bộ, cơ quan khác ở Trung ương, địa phương và các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế.

Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính - Bộ Tài chính.
Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính - Bộ Tài chính.

Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính là đơn vị sự nghiệp công lập, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật; Có trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính hoạt động căn cứ các Quyết định 2969/QĐ-BTC ngày 18/11/2014 và Quyết định 2615/QĐ-BTC ngày 10/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trong thời gian qua, Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính đã tổ chức mở nhiều lớp bồi dưỡng đào tạo cán bộ tài chính cho nhiều Bộ ngành, địa phương.

Bộ Tài chính thành lập Tổ xác minh đơn kiến nghị của viên chức Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính

Ngày 25/8/2023, Cục kế hoạch tài chính – Bộ Tài chính ban hành quyết định số 68/QĐ-KHTC do ông Chu Đức Lam ký về việc thành lập Tổ xác minh đơn kiến nghị của viên chức Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính.

Quyết định
Quyết định thành lập Tổ xác minh đơn kiến nghị của viên chức Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính do Cục trưởng Cục kế hoạch tài chính Chu Đức Lam ký ngày 25/8/2023.

Theo đó, Tổ xác minh thực hiện nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật để xem xét giải quyết đơn kiến nghị với 6 nội dung. Thứ nhất là việc gây khó khăn cho bà Phạm Thị Phương Lan, Phó Trưởng phòng Quản lý đào tạo và khoa học, Trường Bồi dưỡng cán bộ Tài chính về điều hành công việc do bà phụ trách. Thứ 2 là xem xét thành tích khen thưởng (Huân chương lao động hạng 3) của ông Nguyễn Kim Anh (nguyên Trưởng phòng Tổ chức hành chính của Trường). Thứ 3, về 52 lớp Trung cấp lý luận chính trị và sau đại học do ông Nguyễn Việt Cường làm Trưởng ban. Thứ 4, các khoản thu, chi của các lớp kế toán viên, kế toán viên chính trong những năm 2020, 2021 và 06 tháng đầu năm 2022. Thứ 5, việc công khai các khoản thu, chi nguồn tiền gửi tiết kiệm ngân hàng từ năm 2017 đến năm 2022. Cuối cùng là việc mua sắm trang thiết bị từ năm 2017 đên năm 2022; việc mua sắm, quản lý, sử dụng và nâng cấp phần mềm quản lý đào tạo.

Hàng loạt kiến nghị ở Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính

Theo phản ánh của cán bộ viên chức Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính, trong thời gian vừa qua, Trường bồi dưỡng cán bộ (BDCB) tài chính đang tồn tại nhiều vấn đề, gây bức xúc trong cán bộ công nhân viên.

Theo đó, Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính sử dụng các phần mềm Quản lý đào tạo (QLĐT) không sử dụng gây lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước.

Cụ thể, năm 2016, Trường BDCB tài chính lập hồ sơ khống xây dựng phần mềm QLĐT với số tiền tiền khoảng hơn 02 tỷ đồng. Tổ xác minh của Bộ Tài chính khi kiểm tra mới phát hiện có phần mềm 2016. Tại hai cuộc làm việc của Nhà trường với Tổ xác minh ngày 14/12/2023, hầu hết các viên chức và lãnh đạo nhà Trường không biết đến phần mềm 2016; Tại văn bản số 5458/ BTC – KHTC về việc giải quyết Đơn kiến nghị tại Trường Bồi dưỡng cán bộ tài chính ban hành ngày 28/5/2024 do Phó Cục trưởng Cục kế hoạch tài chính Nguyễn Đức Thọ ký nêu rõ:

“Nhà trường không cung cấp được các tài liệu cho Tổ xác minh của Bộ Tài chính (Biên bản khảo sát đối với các đơn vị được đi khảo sát, danh sách học viên, thời gian, địa điểm đào tạo theo biên bản nghiệm thu).

Trách nhiệm thuộc về Phòng hợp tác quốc tế và Giám đốc nhà trường trong việc không cung cấp được Biên bản khảo sát đối với các đơn vị được đi khảo sát; danh sách học viên, thời gian, địa điểm đào tạo theo Biên bản nghiệm thu”.

Văn bản số 5458/ BTC – KHTC cũng chỉ rõ: Năm 2017, Phòng Hợp tác quốc tế tổ chức một gói thầu nâng cấp phần mềm trang web. Trang web có thay đổi giao diện, nội dung cơ bản không thay đổi. Giá trị quyết toán là 193.5 triệu đồng, gây lãng phí tài sản nhà nước.

Năm 2018, Trường tiếp tục nâng cấp phần mềm Quản lý đào tạo trên cơ sở phần mềm 2016 (chưa được sử dụng) với số tiền là 2.885 triệu đồng, được ký kết với Công ty TNHH Giải pháp công nghệ B&T Việt Nam tại Hợp đồng số 1008/2018/HĐKT-BDCB-BT ngày 10/8/2018. Phầm mềm không được sử dụng vì không hiệu quả gây thất thoát lãng phí tài sản Nhà nước.

Cũng trong năm 2018, nhà Trường lại tổ chức gói thầu cung cấp hệ thống phòng học thông minh. Giá trị quyết toán là 610 triệu đồng. Nhưng phòng học thông minh không được sử dụng.

Gần đây, năm 2022, tiếp tục nâng cấp phần mềm quản lý đào tạo với số tiền khoảng 2,7 tỷ với Công ty TNHH Giải pháp công nghệ B&T Việt Nam tại Hợp đồng số 0112/2022/HĐKT-BDCB-BT ngày 01/12/2022, mặc dù rất nhiều ý kiến của lãnh đạo cũng như viên chức nhà trường cho rằng phần mềm năm 2018 không sử dụng và sử dụng không hiệu quả. Tuy nhiên, một số cá nhân như ông Nguyễn Việt Cường, ông Nguyễn Kim Anh….vẫn tiếp tục lập hồ sơ trình Bộ xin kinh phí nâng cấp. Hậu quả, khi có kiến nghị của viên chức Nhà trường và kiến nghị thu hồi và giảm chi NSNN năm 2022 của Kiểm toán nhà nước tại công văn số 895/KTNN-CNII ngày 18/12/2023 với số tiền 2.665.005.800 đồng. Nhà trường đã tạm ứng cho nhà thầu (Công ty TNHH Giải pháp công nghệ B&T Việt Nam) 30% tổng giá trị hợp đồng với số tiền là 799.501.740 đồng. Một số cán bộ trên đã không đòi tiền tạm ứng cho Nhà thầu để nộp vào ngân sách nhà nước mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn tự ý lấy tiền từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để nộp vào ngân sách nhà nước. Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp được hình thành từ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng có thu của Nhà trường, mục đích để hỗ trợ viên chức nhà trường đi học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ sự nghiệp đào tạo, bồi dưỡng Bộ Tài chính giao.

Kết luận về việc giải quyết Đơn kiến nghị tại Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính của Bộ Tài chính.
Kết luận về việc giải quyết Đơn kiến nghị tại Trường bồi dưỡng cán bộ tài chính của Bộ Tài chính.

Đặc biệt, các gói thầu mua sắm 4 bảng thông minh không sử dụng gây lãng phí tài sản Nhà nước.

Cụ thể, trong 2 năm 2018, 2019 Nhà trường mua 4 bảng thông minh với giá trị khoảng 2 tỷ đồng không được sử dụng (có tập huấn sử dụng cho viên chức nhà trường 01 lần). Từ năm 2018 cho đến 8/2024 chưa sử dụng; không sử dụng được, Tổ xác minh BTC và lãnh đạo, viên chức Trường BDCB tài chính đi khảo sát hiện trạng 4 bảng thông minh đó để ở cuối kho và hành lang nhà trường (tại biên bản xác nhận kết quả quan sát thực tế việc quản lý sử dụng bảng thông minh ngày 01/12/2023 và đơn xin đính chính thông tin kê khai với tổ xác minh BTC của ông Lương Trung Dũng ngày 4/12/2023).

Các gói thầu này được Tổ xác minh BTC kết luận: “Nhà trường không phê duyệt quyết định mua sắm theo Quyết định số 394/QĐ-BTC ngày 27/3/2018 của Bộ Tài chính về phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản; hồ sơ đề xuất của nhà thầu trúng thầu không đáp ứng được yêu cầu nêu trong Hồ sơ yêu cầu, nhưng nhà trường không yêu cầu làm rõ mà vẫn duyệt cho trúng thầu”.

Ngoài 4 bảng thông minh trên nhà trường còn để lãng phí 01 bảng LED gắn tường với trị giá gần 1 tỷ đồng, cũng không sử dụng để hỏng không sửa chữa. Tuy nhiên, lại mang 01 bảng thông minh xuống hành lang tầng 1 để thay màn hình LED. Nhưng bảng thông minh cũng bị hỏng, không sửa chữa. Được Tổ xác minh BTC kết luận là sử dụng sai mục đích gây lãng phí tài sản nhà nước.

Ngoài ra, các gói thầu khác gây lãng phí, thất thoát tài sản Nhà nước (Đặc biệt các gói thầu do ông Nguyễn Kim Anh chủ trì tham mưu mua sắm, có dấu hiệu của tội Tham ô tài sản, quy định tại điều 219 Bộ luật hình sự).

Cụ thể, trong 6 năm từ năm 2017 đến năm 2022, trường đã tổ chức 15 gói thầu mua sắm mới,  mua bổ sung và thay thế trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước lên tới gần 10 tỷ đồng.

Đặc biệt, gói thầu “Mua sắm thiết bị” (năm 2017), gói thầu “Mua sắm máy móc thiết bị phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng” (năm 2019), Tổ xác minh của Bộ Tài chính kết luận: “Nhà trường không phê duyệt quyết định mua sắm theo Quyết định số 394/QĐ-BTC ngày 27/3/2018 của Bộ Tài chính về phân cấp thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản”.

Gói thầu năm 2017, hồ sơ chưa đúng quy định tại Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ (không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu) và Chỉ thị số 47/CT-TTg ngày 27/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu (không yêu cầu nhà thầu phải nộp giấy phép bán hàng của nhà sản xuất hoặc giấy chứng nhận quan hệ đối tác khách hàng… đối với hàng hoá thông thường, thông dụng, đã có sẵn trên thị trường).

Gói thầu năm 2019, nhà thầu cam kết không đúng với quy định của Hồ sơ yêu cầu, nhưng Nhà trường không yêu cầu nhà thầu làm rõ, phê duyệt nhà thầy trúng thầu. Thông số kỹ thuật của điều hoà tủ đứng tại Hồ sơ đề xuất không đáp ứng thông số kỹ thuật của Hồ sơ yêu cầu, nhưng Nhà trường chấp nhận đánh giá “Đạt” và phê duyệt trúng thầu. Nhà Trường ký hợp đồng chưa đảm bảo quy định tại Hồ sơ yêu cầu.

Nghiêm trọng hơn, 52 lớp Trung cấp lý luận chính trị được tổ chức, quản lý bởi một nhóm người không thông qua Phòng Quản lý đào tạo và khoa học của Nhà trường, có nhiều chứng từ, hoá đơn không hợp pháp gây thất thoát tài sản nhà nước, gây nhiều hình ảnh xấu cho nhà Trường và Bộ Tài chính, ảnh hưởng lớn đến nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước.

Theo đó, có 30/52 lớp đã sử mua hóa đơn GTGT để hợp thức hàng hóa mua vào cho lớp học. Đơn cử như, lớp TC01 tại Hoà Bình, từ ngày 20/5/2016-20/5/2017 (Lớp sự nghiệp) do bà Lê Thị Thuý Hà quản lý, tổng doanh thu 389.000.000 đồng. Lớp TC07 tại Hàng Chuối - Hà Nội, theo Quyết định mở lớp số 89/QĐ-BDCB ngày 05/4/2017 do bà Đặng Thị Phương quản lý, tổng doanh thu 448.789.000 đồng. Lớp TC08 tại Hàng Chuối - Hà Nội, theo Quyết định mở lớp số186/QĐ-BDCB ngày 18/5/2017 do Bà Nguyễn Thị Thu Dung quản lý, tổng doanh thu 227.000.000 đồng. Lớp TC10 tại Uỷ Ban chứng khoán nhà nước, theo Quyết định mở lớp số 213/QĐ-BDCB ngày 31/5/2017 do Bà Phạm Thị Huyền quản lý, tổng doanh thu 433.500.000 đồng. Lớp TC12 tại Hải Dương, theo Quyết định mở lớp số 309/QĐ-BDCB ngày 25/12/2017 do ông Nguyễn Xuân Thắng quản lý, tổng doanh thu 455.000.000 đồng. Lớp TC17 tại Tổng Cục Hải quan, theo Quyết định mở lớp số 445/QĐ-BDCB ngày 25/8/2018 do bà Đặng Thị Phương quản lý, tổng doanh thu 492.250.000 đồng. Lớp TC18 tại Tổng cục Hải quan, theo Quyết định mở lớp số 446/QĐ-BDCB ngày 25/8/2018 do Đặng Thị Phương quản lý, tổng doanh thu 698.100.000 đồng. Lớp TC19 tại Cục Thuế Hưng Yên, theo Quyết định mở lớp số 516/QĐ-BDCB ngày 20/9/2017 do bà Đặng Thị Phương quản lý, tổng doanh thu 347.500.000 đồng. Lớp TC20 tại Cục Thuế Hưng Yên, theo Quyết định mở lớp số 517/QĐ-BDCB ngày 20/9/2017 do bà Đặng Thị Phương quản lý, tổng doanh thu 347.500.000 đồng,…

Về vấn đề này, tổ xác minh – Bộ Tài chính cũng đã có kết luận tại Công văn 5458/BTC-KHTC ngày 28/5/2024 về các lớp Trung cấp lý luận. Theo đó, tổ xác minh – Bộ Tài chính cũng đã có kết luận việc thành lập Ban Điều hành hoạt động đào tạo bồi dưỡng lý luận chính trị và sau Đại học không có căn cứ pháp lý, không nêu lý do thành lập, không có hồ sơ công việc kèm theo…

Đồng thời, việc Ban Điều hành ban hành Quy chế tài chính của Ban ngày 12/12/2017 là chưa đảm bảo cơ sở…

Các lớp không đạt chỉ tiêu lợp nhuận theo quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ đã được Lãnh đạo Trường duyệt đang trong quá trình mở lớp, không có tờ trình giảm tỉ lệ là chưa đảm bảo theo quy định…

PV