Trường Đại học Thái Bình cung cấp nhiều ngành học đa dạng trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội, kỹ thuật, và kinh tế. Trường cũng đảm bảo chất lượng giảng dạy và nghiên cứu thông qua việc tập trung vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực và cả nước.
Hiện tại, Trường Đại học Thái Bình đang có tổng số 245 cán bộ, giảng viên và quy mô gần 3.000 sinh viên đang theo học tại trường ở các hệ đào tạo như: đại học, sau đại học, liên thông và các chương trình liên kết đào tạo.
Trường Đại học Thái Bình có một môi trường học tập thuận lợi với cơ sở vật chất hiện đại bao gồm các phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện và các phòng tập thể thao; hệ thống học trình học liệu phong phú, bài bản, trong đội ngũ 165 giảng viên có đến 96% giảng viên có học vị Thạc sỹ, Tiến sĩ, PGS.TS, GS.
PGS.TS. Phạm Quốc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Thái Bình chia sẻ: “Đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học tại Trường, Ban Giám hiệu luôn dành sự quan tâm đặc biệt bởi đây, không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực nâng cao công tác đào tạo, năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên tại Trường, mà còn gắn liền với thúc đẩy sự sáng tạo, phát huy khả năng tư duy của cán bộ, giảng viên trong Nhà trường.
Đặc biệt đối với các em sinh viên, là điều kiện để các em trưởng thành hơn, tiếp cận, mở mang kiến thức qua các đề tài được tham gia nghiên cứu ngay từ khi còn trên giảng đường. Từ việc xác định định hướng gắn công tác đào tạo với nghiên cứu khoa học, chính, năm học 2023 - 2024, Ban Giám hiệu Trường Đại học Thái Bình đã có nhiều cuộc họp để thảo luận, rà soát quy định thống nhất đổi mới đối với công tác nghiên cứu khoa học, đưa ra nhiều cơ chế, động lực khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên nghiên cứu.
Với việc tăng mạnh hỗ trợ về kinh phí thực hiện đề tài ở cấp Trường, cấp tỉnh, cấp Quốc gia, lên tới hàng trăm triệu đồng. Riêng với các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học,…. khi tham gia Hội thi cấp tỉnh, cấp Quốc gia mà đạt giải, cũng đều được nhận thêm mức thưởng theo quy định của Trường. Đây là bước đột phá trong việc thúc đẩy công tác nghiên cứu khoa học của Trường từ trước đến nay”.
Về đề tài, dự án nghiên cứu khoa học hằng năm, Nhà trường trực tiếp chỉ đạo, định hướng và đưa ra tiêu chí của các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Trên cơ sở đó, từng khoa, từng ngành sẽ tìm hiểu thực tế để đăng ký đề tài, lựa chọn thành viên của nhóm đề tài, gửi Hội đồng trường xét duyệt. Sau đó, khoa, ngành đó tiến hành triển khai thực hiện nghiên cứu đề tài đã được phê duyệt thông qua.
Đặc biệt, để công tác nghiên cứu khoa học phát huy được tối đa hiệu quả, Trường Đại học Thái Bình đã thành lập 19 nhóm nghiên cứu, mỗi nhóm đều có điều kiện, tiêu chuẩn và những cam kết riêng. Những năm gần đây, nhiều cơ chế mới về nghiên cứu khoa học đã được Trường Đại học Thái Bình ban hành. Ví dụ như sự đầu tư đột phá cho các đề tài cấp trường, gấp nhiều lần so với những năm trước đây. Nếu như trước đây, 1 đề tài cấp trường chỉ tối đa 12 triệu đồng, thì hiện giờ với Khối ngành Khoa học công nghệ, đã nâng lên ở mức từ 30-200 triệu đồng/năm/đề tài; Khối ngành khoa học xã hội, nhân văn, kinh tế… là từ 25-150 triệu đồng/năm/đề tài. Kinh phí hỗ trợ các bài báo đăng trên Tạp chí khoa học quốc tế, chương sách xuất bản băng tiếng nước ngoài ở nhà xuất bản ngoài nước… được hỗ trợ 2 mức: 1-5 triệu đồng/bài và 5-30 triệu đồng/bài…
Tiến sĩ Trần Công Thức, Trưởng Khoa Công nghệ và kỹ thuật, Trường Đại học Thái Bình, cho biết: “Mỗi một giáo trình, một dự án, đề tài nghiên cứu khoa học của nhóm giảng viên hay nhóm sinh viên đăng ký đều được xét duyệt, lựa chọn từ các khoa, sau đó trình lên Hội đồng khoa học chuyên môn cấp Trường xem xét phê duyệt thông qua mới đi vào thực hiện. Những đổi mới trong quy chế nghiên cứu khoa học đã tạo tiền đề, động lực để mỗi cán bộ, giảng viên và các nhóm sinh viên tiêu biểu thêm hăng say, thúc đẩy sức sáng tạo, niềm đam mê để tạo đột phá trong công tác nghiên cứu khoa học.”
Tính riêng năm học 2023 - 2024, Trường Đại học Thái Bình đã có 42 đề tài NCKH cấp trường, 03 đề tài cấp tỉnh được phê duyệt triển khai thực hiện với tổng mức kinh phí lên đến trên 3,5 tỉ đồng.
Năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Thái Bình dự kiến tuyển 1656 chỉ tiêu hệ đại học với 10 ngành đào tạo gồm: Luật; Kinh tế; Kế toán; Quản trị kinh doanh; Tài chính - Ngân hàng; Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử; Công nghệ thông tin; Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Chính trị học; Quan hệ quốc tế. Tổng số chuyên ngành đào tạo lên đến 38 chuyên ngành.
Với định hướng trở thành trường đại học thành viên của Đại học Quốc Gia Hà Nội, Trường Đại học Thái Bình đang là cơ sở giáo dục đại học có uy tín, chất lượng và đa dạng về chương trình đào tạo, với môi trường học tập và cơ sở vật chất khang trang, hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội và thị trường lao động của tỉnh và khu vực.
Nhà trường xác định mục tiêu chiến lược phát triển Trường Đại học Thái Bình theo định hướng ứng dụng thực hành và phát triển bền vững, là cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời là trung tâm nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ có uy tín của tỉnh và khu vực Đồng bằng sông Hồng, sẵn sàng hội nhập quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và phát triển bền vững của tỉnh, đất nước.
Trong chiều dài lịch sử 64 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Thái Bình đã kế thừa và không ngừng phát huy những thành quả các thế hệ đi trước, tiếp tục vững bước trong phát triển hiện tại, gặt hái những thành tựu to lớn, vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba và Huân chương Độc lập hạng Nhì cùng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý khác. Những thành tựu đó khẳng định và tự hào Trường Đại học Thái Bình là mái trường có học hiệu lâu đời tại vùng Đồng bằng sông Hồng với sứ mệnh cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh Thái Bình và cả nước.
Phương Thuý