Hiện nay, trước nhu cầu làm đẹp ngày càng tăng cao, các cơ sở thẩm mỹ tăng nhanh số lượng với nhiều loại tên gọi như phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, thẩm mỹ viện, viện thẩm mỹ, trung tâm chăm sóc sắc đẹp, spa,…. Trong đó, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được Sở Y tế cấp phép hoạt động thì ít mà các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép thì nhan nhản. Để phòng tránh các rủi ro không đáng có, người tiêu dùng nên lựa chọn các cở sở thẩm mỹ được cơ quan chuyên môn cấp phép.

Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là một trong các loại hình của phòng khám chuyên khoa và thực hiện về lĩnh vực có các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.

Ngoài các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị thì phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải có một người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật là bác sỹ có chứng chỉ hành nghề có phạm vi hoạt động chuyên khoa phẫu thuật tạo hình hoặc chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ hoặc chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ; có thời gian hành nghề khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 36 tháng sau khi được cấp chứng chỉ hành nghề hoặc có thời gian trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng. Việc phân công, bổ nhiệm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải được thể hiện bằng văn bản; là người hành nghề cơ hữu tại cơ sở.

Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được Sở y Y rế Hải Phòng cấp phép
Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được Sở y Y rế Hải Phòng cấp phép (Ảnh: Quỳnh Nga)

Theo thông báo số 175/TB – SYT của Sở Y tế Hải Phòng, trên địa bàn thành phố đến thời điểm ngày 28/8/2023 có 6 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được Sở Y tế Hải Phòng cấp phép. 

Đối với hành vi hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ mà không có giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thì sẽ bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế theo quy định tại khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP sẽ bị phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu. Ngoài hình thức phạt tiền trên thì cơ sở còn phải chịu hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng. Trong trường hợp cơ sở thẩm mỹ vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 315 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS).

Quỳnh Nga