Thảo luận tại hội trường trước khi thông qua Nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (tổ Sóc Sơn) đánh giá, đây là đề án có tính đột phá và thể hiện sự quyết tâm của TP Hà Nội về quản lý phương tiện giao thông và xây dựng hệ thống giao thông. Do đó cần nghiên cứu tác động, ảnh hưởng đến người dân về sinh hoạt của người dân cũng như vấn đề quy hoạch thiết kế đô thị...
Hà Nội dừng hoạt động của xe máy tại các quận từ năm 2030
Đại biểu Nguyễn Thanh Bình đề xuất bổ sung nội dung nên khuyến khích người dân sử dụng xe đạp, nhất là người dân có nhu cầu đi lại trong quãng đường di chuyển ngắn, khu đô thị, khu dân cư.
Đại biểu Trần Việt Anh (tổ Ba Đình) cho rằng, đề án đã lựa chọn được 6 giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội trong giai đoạn này. Đại biểu Trần Việt Anh cho rằng, các nhà quản lý phải đi trước một bước để phát triển giao thông sạch như các trạm dừng đỗ kết hợp hệ thống sạc điện.
Trong khi đó, đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) đề xuất Hà Nội nên xem xét việc miễn phí đối với hành khách đi xe buýt. Đại biểu này cho rằng, nếu so sánh với sự mất mát do tắc đường, ô nhiễm môi trường một năm đến nửa tỷ USD thì chi phí đầu tư cho phương tiện công cộng là cần thiết. Đây cũng là cách làm tạo thói quen cho người dân Thủ đô đi phương tiện công cộng. Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Đình Đoàn cho rằng, việc điều chỉnh giờ làm, giờ học cũng rất cần thiết.
Với việc thông qua Nghị quyết quan trọng này, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030; tổ chức thống kê, phân loại theo khu vực (quận, huyện), niên hạn, chủng loại toàn bộ xe máy trên địa bàn thành phố; phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng.
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng sẽ cấm ôtô hoạt động theo giờ, theo ngày trên một số tuyến phố; thí điểm cấm đỗ theo ngày chẵn lẻ; ban hành quy định hoạt động của xe taxi ngoại tỉnh.
Để quản lý số lượng phương tiện tham gia giao thông, Hà Nội sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có việc lập quy hoạch vận tải hành khách bằng taxi đến năm 2030, lộ trình thực hiện 2017-2020.
Cũng theo Nghị quyết này, chủ sở hữu ôtô phải mở tài khoản điện tử, lắp thiết bị phụ trợ để phục vụ quản lý phương tiện và điều tiết giao thông (thiết bị thu phí tự động...); thiết lập cơ chế tính giá dịch vụ trông giữ phương tiện theo hướng lũy tiến theo giờ và tăng mạnh vào khu vực trung tâm. Đặc biệt, Hà Nội sẽ lập Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố...
Theo An ninh thủ đô