Giá dịch vụ BHYT: Còn nhiều bất cập - Hình 1

Ảnh minh hoạ

Theo đó, một số điều trong Thông tư 15 vẫn giữ như quy định tại Thông tư 37, bao gồm: Chi phí trực tiếp, tiền lương, phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật của nhân viên y tế. Bên cạnh đó, điều chỉnh giá của dịch vụ khám bệnh, dịch vụ ngày giường bệnh, 1.903 dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm đã được quy định tại Thông tư 37. Đồng thời, bổ sung ghi chú và điều chỉnh giá của 60 dịch vụ kỹ thuật được quy định tại Thông tư 50/2014/TT-BYT.

Thông tư số 37 mới chỉ xây dựng được mức giá cụ thể cho gần 1.000 DVYT. Việc phân loại phẫu thuật, thủ thuật còn nhiều bất cập (thủ thuật được phân thành phẫu thuật; cùng một chuyên khoa, có dịch vụ vừa phân loại phẫu thuật vừa phân loại thủ thuật) dẫn đến tính toán không đúng chi phí lương và phụ cấp đặc thù vào giá DVYT.

Việc xác định không đúng định mức kinh tế kỹ thuật (KTKT), xây dựng mức giá cao không phù hợp với thực tế làm tăng chi phí KCB bất hợp lý, giảm hiệu quả sử dụng quỹ BHYT và ảnh hưởng đến quyền lợi của người bệnh BHYT. Thậm chí, đã phát hiện một số biểu hiện lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT tại một số cơ sở KCB thời gian qua đang được các cơ quan chức năng xác minh, làm rõ.

Đồng thời, việc thanh toán cùng mức giá, không phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ tạo nên sự mất công bằng, thiếu minh bạch và không thúc đẩy các cơ sở KCB nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ.

Còn tại Thông tư số 15 (mới), Bộ Y tế quy định việc thanh toán chi phí KCB được thực hiện theo giá DVYT, giá quy định như thế nào thì thanh toán đủ như thế (kể cả phần chi phí không sử dụng trong thực tế điều trị), không căn cứ định mức KTKT để thực hiện công tác giám định, thanh quyết toán. Cho rằng, định mức chỉ là cơ sở để xây dựng giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, quy định này là không phù hợp, vì giá dịch vụ được xác định trên cơ sở định mức và nếu thực hiện định mức không đúng, không đảm bảo thì mức giá dịch vụ thanh toán cũng sẽ không đúng quy định.

Một trong những vấn đề tồn tại, bất cập lớn của Thông tư số 37 là, định mức KTKT làm căn cứ tính giá được Bộ Y tế xây dựng và ban hành không sát với thực tế, không phù hợp với khả năng cung cấp dịch vụ của từng nhóm bệnh viện, chủ yếu được xây dựng dựa theo kết quả khảo sát tại một số bệnh viện tuyến trên, dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở KCB chi phí vật tư y tế đề nghị thanh toán trong định mức lớn hơn số thực tế xuất dùng.

Những vấn đề tồn tại, bất cập này vẫn chưa được Bộ Y tế rà soát sửa đổi, điều chỉnh lại khi xây dựng dự thảo Thông tư số 15. Nhiều định mức KTKT làm căn cứ tính giá vẫn không được xây dựng phù hợp theo khả năng cung cấp DVYT theo nhóm bệnh viện, tình trạng vật tư y tế, thuốc có trong định mức nhưng không thể sử dụng hết trong thực tế điều trị vẫn không được khắc phục.

Đơn cử, đơn giá các vật tư có trong định mức KTKT chưa loại bỏ các đơn vị có giá cao bất thường khi tính toán chi phí trung bình. Hầu hết giá của VTYT, chăn ga… đều lấy giá khảo sát của bệnh viện tuyến TW (Việt Đức, Bạch Mai…) để làm căn cứ xây dựng giá ngày giường trong toàn quốc. Một số giá không có nguồn tham khảo (như đèn tuýp, gối, vỏ gối…) - tự định giá. Một số giá chỉ lấy khảo sát từ 2 - 5 cơ sở KCB và có sự chênh lệch lớn (có giá gấp 100 lần), sau đó lấy giá trung bình. Cùng một loại sản phẩm nhưng lấy đơn giá khác nhau gấp nhiều lần.

Hoặc là giá giường bệnh (bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I giường có tay quay): Bộ Y tế đề nghị toàn bộ giường bệnh tại bệnh viện hạng đặc biệt, hạng I trực thuộc Bộ đều sử dụng giường nhựa có tay quay giá 9,8 triệu đồng, cao gấp hơn 2 lần đơn giá giường điện tự động nâng NIKITA-85, cao gấp 4 đến 6 lần giường inox 2 tay quay (từ 2,45 triệu đồng đến 2,9 triệu đồng). Trong khi tại các bệnh viện tuyến TW, tuyến tỉnh đang sử dụng giường inox, nhiều trường hợp cấp cứu phải nằm băng ca.

Các loại thiết bị như đệm giường, tủ đầu giường, ghế ngồi bệnh nhân, tủ đựng dụng cụ, thuốc, xe đẩy,…. cũng gặp phải trường hợp tương tự.

Bên cạnh đó, định mức KTKT được xây dựng trên cơ sở quy trình chuyên môn kỹ thuật, làm cơ sở để tính giá DVYT, đồng thời cũng là một trong các căn cứ quan trọng để các cơ sở KCB thực hiện, đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế cung cấp cho người bệnh.

Không những thế, việc xây dựng định mức chưa được phân theo nhóm các bệnh viện, mà dựa trên các chi phí ở mức trung bình tiên tiến nên dẫn đến tình trạng, có cơ sở KCB thực hiện đúng định mức nhưng cũng còn nhiều cơ sở chưa thực hiện được. Vì vậy, nếu không thanh toán theo thực tế thực hiện định mức thì sẽ tạo nên sự mất công bằng giữa cơ sở KCB có chất lượng dịch vụ tốt và chưa tốt.

Đồng thời, không thúc đẩy các cơ sở KCB phấn đấu nâng cao chất lượng dịch vụ vì thực hiện định mức như thế nào cũng vẫn được thanh toán mức giá tối đa. Điều này không đảm bảo công bằng và chưa tạo động lực thúc đẩy các cơ sở KCB nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Thanh Bình