Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã làm 410 bụi tre chắn sóng bị nghiêng, đổ; xuất hiện 269 sự cố thẩm lậu, đùn sủi, lỗ rò qua thân đê, tràn cục bộ, sạt trượt mái đê, rò mang cống, rò nước qua khe cánh cống trong đợt mưa lũ. 35 công trình trụ sở, cụm chống lụt bão, điếm canh đê bị hư hỏng. Các sự cố trên đều được xử lý cơ bản an toàn ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”.
Tuy nhiên để bảo đảm an toàn hệ thống công trình đê điều trong mùa mưa lũ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý 10 sự cố đê điều với kinh phí dự kiến là 130 tỷ đồng.
Các công trình cần xử lý là lấp đầm, ao sát chân đê, đắp cơ đê đoạn đê tả sông Thái Bình thuộc các phường Cổ Thành, Phả Lại (TP.Chí Linh); cải tạo, nâng cấp đê hữu sông Kinh Thầy và xây dựng cống Bà Tạo ở phường Phạm Thái; xây dựng kè bảo vệ đê hữu sông Kinh Thầy ở phường Thất Hùng (thị xã Kinh Môn); tu bổ, nâng cấp đê tả sông Mía ở xã Vĩnh Lập (Thanh Hà); tu bổ, bổ sung hàng tre chắn sóng ở các địa phương trong tỉnh.
Tu bổ, nâng cấp đê tả sông Thái Bình qua xã Thanh Hồng, Vĩnh Lập (Thanh Hà); xây dựng 3 công trình mới là cống Kỳ Đặc, Phạm Xá, Duyên Linh tại đê tả sông Kinh Thầy (TP.Chí Linh và thị xã Kinh Môn); xây dựng kè tại điểm sạt lở bãi đê hữu sông Kinh Thầy ở xã Nam Hưng (Nam Sách).
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, các sự cố đê điều kể trên cần được xử lý, hoàn thành trước ngày 30/4/2025.
Bùi Tú