Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, tính đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 408 trường hợp mắc sốt xuất huyết (SXH) tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Con số này giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2023 và không có trường hợp tử vong.

Cụ thể, toàn tỉnh có 20 ổ dịch nhỏ tại 6/15 huyện. Trong đó, huyện Buôn Đôn 2 ổ dịch, Cư M’gar 5 ổ, Ea Kar 1 ổ, Ea Súp 2, Krông Bông 2, Krông Pắc 8 ổ dịch. Nhờ điều tra và xử lý kịp thời nên đến nay toàn tỉnh chỉ còn 4 ổ dịch nhỏ đang hoạt động trong phạm vi khoanh vùng.

“Mặc dù số ca mắc giảm nhưng bệnh SXH diễn biến khó lường, gây nhiều biến chứng đặc biệt nguy hiểm, thậm chí tử vong, thời gian phục hồi lâu. Đặc biệt, thời điểm này Tây Nguyên đang bước vào mùa mưa, dự báo số ca mắc sẽ có xu hướng gia tăng từ nay đến tháng 11”, theo nhận định của ngành y tế.

Cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi tại nhà người dân trên địa bàn phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Đình Thi)
Cán bộ y tế phun hóa chất diệt muỗi tại nhà người dân trên địa bàn phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Đình Thi)

Cũng theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk, người dân không nên chủ quan và cần chủ động phòng, chống dịch; tiến hành diệt lăng quăng bọ gậy, thu gom các đồ vật có thể ứ đọng nước xung quanh nhà; đồng thời, ngăn không cho muỗi chích bằng cách ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay…

Ngành y tế Đắk Lắk tiếp tục chủ động tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy tại các khu vực ổ dịch một cách triệt để, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, bảo đảm tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, duy trì công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.

SXH là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rut Dengue gây ra. Bệnh lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm vi rút sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt/chích. Bệnh SXH hiện nay vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy, việc tăng cường các biện pháp phòng bệnh là giải pháp phòng, chống dịch SXH hiệu quả nhất.

Để phòng chống dịch SXH, mỗi người dân cần thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống như:

+ Kiểm tra, phát hiện và tiêu diệt loăng quăng/ bọ gậy; thường xuyên thau rửa, đậy kín các vật dụng chứa nước. Thường xuyên vệ sinh môi trường, loại bỏ các vật liệu phế thải, hốc nước tự nhiên; lật úp các dụng cụ chứa nước không sử dụng…

+ Dùng kem xua muỗi, tinh dầu đuổi muỗi, hương muỗi, vợt điện, … để tiêu diệt muỗi trưởng thành; mặc quần áo dài, ngủ màn kể cả ban ngày để phòng ngừa bị muỗi đốt/chích.

+ Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch diệt loăng quăng/ bọ gậy và các đợt phun hóa chất phòng chống dịch.

+ Khi có các biểu hiện: sốt, nhức mỏi,… cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn, điều trị.

 PV (t/h)