Khác với trước đây, bây giờ du khách về với Am Tiên không còn phải đánh vật với con đường đất truyền thống cũ kỹ, ngoằn nghèo, dựng đứng nữa. Một con đường bê tông rộng rãi, thoai thoải theo sườn núi, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách có thể đi bộ, đi xe máy, ô tô lên tận khu di tích. Lên đỉnh Am Tiên, du khách sẽ được vãn cảnh đồi núi chập trùng, bao la, ruộng đồng bát ngát, mây trời trong xanh.

Du khách thập phương nô nức đến cầu may trên đỉnh ngàn Nưa trước ngày mở “cổng trời” - Hình 1

Dòng người nô nức đến đỉnh ngàn Nưa cầu may

Bà Vũ Thị Hương, phó giám đốc Công ty Thương mại xây dựng và khai thác khoáng sản Trường Trung cho biết: “Từ ngày 1đến ngày 8 (âm) đã có khoảng 15 nghìn du khách khắp nơi về viếng cảnh, cầu may. Để tạo điều kiện tốt và an toàn nhất cho du khách lên đỉnh Am Tiên phía công ty đã đầu tư 18 xe ô tô, đội ngũ lái xe được chọn lựa, đào tạo cả về trình độ lẫn văn hóa giao tiếp.

Mỗi một lượt xe xuống, trước khi trở du khách lên núi đều có đội ngũ kỹ thuật kiểm tra kỹ lưỡng. Nếu phát hiện lái xe nào chạy nhanh, ẩu chúng tôi sẽ cho nghỉ việc ngay. Năm nay thời tiết không được thuận lợi, thường xuyên mưa nhưng dòng người về Am Tiên rất đông.Sáng mai, ngày 9 tháng Giêng là ngày mở “cửa trời”.Người dân hành hương về đây cầu cho quốc thái dân an, nhà nhà hạnh phúc, người người khỏe mạnh, tài năng tiến tới, công thành danh toại”.

Khu di tích lịch sử Am Tiên nổi tiếng này gắn liền với cuộc khởi nghĩa Bà Triệu chống quân Ngô vào năm 248 trước công nguyên. Xung quanh vùng núi Nưa vẫn còn lưu truyền nhiều địa điểm, địa danh gắn liền với căn cứ kháng chiến của Bà Triệu như: Gò đống thóc (nơi để kho lúa của nghĩa quân), đồng kỵ (nơi nuôi ngựa chiến của nghĩa quân)…


Du khách thập phương nô nức đến cầu may trên đỉnh ngàn Nưa trước ngày mở “cổng trời” - Hình 2

"Cổng trời trên đỉnh ngàn Nưa"

Đỉnh núi Nưa – nơi có động Am Tiên là một khu đất rộng và khá bằng phẳng.Tuy ở độ cao 585m nhưng ở đây vẫn có mạch nước ngầm chảy ra trong vắt và không bao giờ cạn, đã tạo thành một cái giếng tự nhiên rất đặc biệt mà dân gian đặt tên là giếng Tiên.Một hiện tượng thiên nhiên kỳ lạ không giải thích được trên đỉnh Ngàn Nưa, đó là xuất hiện giếng nước trên núi.Trên độ cao hơn 500 m không suối, không khe lại có thủy tụ.Không ai xác định được giếng này có từ khi nào.

Dân gian vẫn tương truyền, sự chuyển động của vũ trụ tạo ra vết nứt trên đá, dần dần vết nứt rộng ra tạo thành giếng.Nơi đây được cho là giếng mà Bà Triệu và nghĩa quân lấy nước sử dụng hàng ngày.Cũng có truyền thuyết cứ tối tối lại thấy các tiên nữ tắm nên gọi là giếng tiên?! Tương truyền là giếng dành riêng để Bà Triệu lấy nước rửa mặt mỗi khi xung trận, phía dưới vài trăm mét có một hố nước rộng gọi là Ao Hóp, tương truyền là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho nghĩa quân bà Triệu.

Trên đỉnh Núi Nưa còn có bàn cờ Tiên, vườn thuốc Tiên và vườn đào Tiên mà sử sách và truyền thuyết đã nhắc đến như một trung tâm của sự tu tiên đắc đạo. Ở nơi nên thơ và quyến rũ này còn có ngôi chùa cổ gọi là chùa Am Tiên, đền chúa Thượng Ngàn (Bà Triệu hoá thân theo cách nghĩ của dân gian) và miếu ông Tu Nưa thờ vị đạo sĩ thời Trần – Hồ.

Du khách thập phương nô nức đến cầu may trên đỉnh ngàn Nưa trước ngày mở “cổng trời” - Hình 3

Rất nhiều du khách khi đến ngàn Nưa đã ghé thăm "giếng tiên" xin nước cầu may

Từ cổng đền Am Tiên đi sâu vào 150m sẽ thấy huyệt thiêng. Đó là khoảng đất rộng hơn 100 mét vuông được rào chắn kỹ lưỡng. Ngay lối vào là phiến đá trắng có khắc dòng chữ "Cầu cho quốc thái dân an".

Theo Ông Lê Bật Sơn chủ trì đền Am Tiên cho biết: "Đất nước ta có 3 huyệt đạo thiêng. Một là ở núi Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), hai là ở núi Bà Đen (Tây Ninh) và ba chính là chỗ này (tức Đền Am Tiên, Núi Nưa- Thanh Hóa). Theo sử sách để lại, đây chính là 1 trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Nam, mà tướng Cao Biền không thể trấn yểm nổi...". Huyệt đạo trên đỉnh núi này là huyệt khí thiêng!”

Ông Vũ Huy Nam, du khách đến từ Hà Nội cho biết: “ Năm nào cũng vậy, trước ngày mở “cổng trời” tôi cũng cố gắng thu xếp công việc vào Am Tiên viếng cảnh, cầu may mắn cho cả gia đình. Mọi năm thuê xe máy để lên cảm giác rất nguy hiểm, năm nay có hẳn một đội xe ô tô đưa đón chu đáo, phục vụ tận tình nên rất yên tâm.

Am Tiên ngày càng được đầu tư, xây dựng khang trang, đứng giữa huyệt đạo sẽ thấy 1 chiếc chuông to treo lơ lững, khi những tiếng chuông ngân lên nhắm mắt lại sẽ cảm nhận từ sâu lắng trong không gian những hào khí ngàn năm từ trong lòng đất Na Sơn vọng về, một cảm giác lâng lâng thư thái, tâm hồn được gột rửa, tâm tỉnh, lòng thanh thản”.

Thuấn Nguyễn