Đáng chú ý, mực nước trên sông Kiến Giang, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình hiện đã vượt báo động 2 trên 1,35m; trên Sông Gianh, huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn, huyện Tuyên Hóa vượt báo động 3 trên 0,14m…
Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Bình, trong 24 giờ tiếp theo, mực nước trên sông Kiến Giang sẽ tiếp tục lên nhanh và đạt đỉnh ở mức trên báo động 3… Hiện nay, mưa lớn vẫn diễn ra phức tạp nên Đài Khí tượng Thuỷ văn tỉnh Quảng Bình cảnh báo nguy cơ ngập lụt, khả năng xảy ra các thiên tai khác đi kèm như sạt lở đất tại khu vực vùng núi, sạt lở bờ sông, ngập lụt tại các các vùng hạ lưu và khu vực đô thị trên địa bàn các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Trạch.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, tỉnh Quảng Bình đã huy động các lực lượng chức năng hỗ trợ người dân ở các vùng có nguy cơ cao sơ tán, di dời đến nơi an toàn. Trong đó, huyện Lệ Thuỷ, tính đến 16 giờ chiều nay, chính quyền và các lực lượng chức năng đã tổ chức sơ tán, di dời 73 hộ với 201 khẩu ở các xã có nguy cơ cao như Kim Thủy, Thái Thủy, Lâm Thủy... đến nơi an toàn.
Tính đến chiều 27/10, tỉnh Quảng Bình đã ghi nhận có 1 người bị mất tích do nước cuốn trôi khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại khu vực hạ lưu đập Thanh Sơn, xã Thái Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ).
Hiện, huyện Lệ Thủy và lực lượng chức năng đang khẩn trương tìm kiếm nạn nhân này.
Trưa ngày 27/10, bão số 6 đã gây mưa lớn, gió giật mạnh trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, ghi nhận tại một số nơi như biển Thuận An gió mạnh nhất cấp 9, TP Huế gió mạnh nhất cấp 8, huyện A Lưới cấp 6 và tại huyện Nam Đông cấp 7.
Tại khu vực đập Hòa Duân (xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) và một phần phường Thuận An (TP. Huế), nước biển dâng cao đã tràn qua bờ cát của bãi tắm và chảy xiết vào khu dân cư.
Lãnh đạo UBND xã Phú Thuận cho biết, đến thời điểm hiện tại, nước biển vẫn tiếp tục dâng cao và lên nhanh hơn. Lực lượng tại chỗ đang tiếp tục theo dõi để có những phương án xử lý tiếp theo.
Ông Phan Công Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết, triều cường khiến nước biển dâng cao vào đầm Lập An và tràn vào nhà dân, làm ngập sâu nhiều đoạn trên tuyến QL1A qua địa bàn.
Tại Quảng Trị, theo báo cáo nhanh của UBND huyện Gio Linh, mưa lớn, sóng biển cao đã làm một số hàng quán bị sạt lở, trong đó có 4 hàng quán tại bãi tắm Gio Hải bị sập, đổ hoàn toàn; nhiều đoạn kè bờ biển đang thi công bị sạt lở.
Mưa lớn cũng khiến một số đoạn của đường Nguyễn Hữu Thọ (thị trấn Cửa Việt) bị sạt lở. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng lập rào chắn, cảnh báo để người dân đi lại an toàn.
Tại huyện Vĩnh Linh, mưa lớn, gió mạnh đã làm tàu cá số hiệu QT - 21093TS neo đậu tại Khu neo đậu tránh trú bão Cửa Tùng bị chìm. Mưa lớn cũng đã làm một số xã bị ngập cục bộ; nước sông đang lên nhanh, sát mép mặt đê tả sông Bến Hải và sắp tràn qua đê.
Chiều tối ngày 27/10, UBND xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn xã đã có nhiều điểm bị ngập sâu từ 1-2m, một số căn nhà bị tốc mái và chưa ghi nhận thiệt hại về tài sản.
Đường ĐT601 đoạn qua xã Hoà Bắc có đoạn bị ngập sâu hơn 1,5m và thôn Nam Yên ngập sâu từ 1,5-2m. Thượng nguồn sông Cu Đê đoạn cầu Tà Lang - Giàn Bí xuất hiện lũ quét với mực nước dâng cao hơn 7,9m so với trước khi mưa lớn. Hiện lũ vẫn đang ở mức cao và có dấu hiệu rút chậm.
Qua thống kê, xã Hoà Bắc đã bị gió thổi tốc mái hoàn toàn 3 căn nhà nhà và 6 căn nhà bị tốc mái một phần. Để đảm bảo an toàn cho người dân, xã đã sơ tán 51 hộ dân với 146 người có nguy cơ bị ngập lũ, ảnh hưởng bởi sạt lở đất, đá.
Thiên Trường (t/h)