Ngày 20/10, UBND TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho hay, vừa tổ chức Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống “Vũ điệu Ban Mê”.
Chương trình nhằm hướng tới Chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk gắn với 120 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển; 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.
Ông Phạm Tiến Hưng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột, Trưởng Ban Tổ chức chương trình cho biết, thành phố trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay Buôn Ma Thuột là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, là nơi sinh sống của 40 dân tộc anh em. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có nền văn hóa đa dạng, phong phú, đặc sắc với những lễ hội truyền thống, những bản trường ca hào hùng và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Nghề dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa của vùng đất Tây Nguyên nói chung và thành phố Buôn Ma Thuột nói riêng. Được thực hiện bằng đôi bàn tay khéo léo của những người nghệ nhân, nghề dệt thổ cẩm không chỉ tạo ra những món đồ dùng hàng ngày mà còn là biểu tượng của sự tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc. Thổ cẩm Tây Nguyên mang vẻ đẹp tinh tế đầy sức hút và đặc trưng của đồng bào các dân tộc, phản ánh sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên”, ông Hưng nêu.
Cũng theo ông Hưng, thành phố luôn tích cực, chủ động phối hợp với các sở, ngành tổ chức truyền dạy văn hóa phi vật thể, nghề truyền thống, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống “Vũ điệu Ban Mê” nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc của TP. Buôn Ma Thuột nói riêng và tỉnh Đắk Lắk nói chung; quảng bá bản sắc văn hóa, trang phục thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đến với du khách trong và ngoài nước; góp phần duy trì, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Đây là các bộ trang phục thổ cẩm đặc sắc do các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng hàng đầu Việt Nam. Đặc biệt, là nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh - Giám đốc sáng tạo Công ty trách nhiệm hữu hạn Việt Mốt thực hiện. Chương trình còn tái hiện đời sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên qua các hình ảnh gần gũi trên sân khấu như: Dệt thổ cẩm, tạc tượng, làm gốm, đan lát, chiếc gùi… và tái hiện lễ ăn cơm mới, lễ tạ ơn cha mẹ, lễ lúa mới, lễ rước nước, lễ chúc sức khỏe.
Tuấn Sơn