Báo Thương hiệu và Công luận đã có loạt bài phản ánh “Đồng Nai - “Loạn” phân lô bán nền, xây dựng trái phép - Chính quyền “không biết” hay “làm ngơ” nêu lên tình trạng lợi dụng sự buông lỏng quản lý của địa phương, trong thời gian qua, nhất là giai đoạn đầu năm 2018, khi địa ốc trở nên“sốt” giá bất thường; nhiều cá nhân, tổ chức đã tiến hành phân lô bán nền tràn lan trên đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm và xây dựng nhà, công trình trái phép.
Trước tình trạng diễn ra rất phức tạp trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập ba đoàn thanh tra để kiểm tra, thanh tra tại 3 điểm “nóng” là TP.Biên Hòa, huyện Trảng Bom và Vĩnh Cửu nhằm chấn chỉnh tình hình và làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị liên quan. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đoàn thanh tra vẫn thanh tra, còn việc san ủi đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm và xây dựng nhà, công trình trái phép vẫn tiếp tục diễn ra.
Bài 3 - Cấp trên chỉ đạo quyết liệt, cấp dưới ....thờ ơ?
Những “dự án” phân lô bán nền “khủng”
Lợi dụng sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã lấn chiếm, san lấp đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, thậm chí là đất dưới hành lang lưới điện... để cắm mốc, mua bán, chuyển nhượng, xây nhà trái phép. Sự việc xảy ra nhiều năm nay song các cấp chính quyền lại thờ ơ, không xử lý.
Với nguồn cung đất nền dồi dào, thời gian qua xã Tam Phước, TP.Biên Hòa (Đồng Nai) trở thành điểm nóng của hiện tượng phân lô, bán nền. Điều đáng nói là, hầu hết các “dự án chui” phân lô, bán nền trên địa bàn xã Tam Phước đều chưa hề được các cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập dự án, phê duyệt đầu tư.
Loạn bảng hiệu rao bán đất nền
Tuy nhiên, bằng cách nào đó các tổ chức, cá nhân “phù phép” đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất thành “dự án” rồi ngang nhiên quảng cáo phân lô, bán nền, xây dựng nhà trái phép.
Điển hình như tại xã Tam Phước (TP.Biên Hòa), nhiều trường hợp xẻ cả đồi, lấy đất dưới hành lang lưới điện hàng trăm héc-ta đất. Như tại thửa số 1,2,5,11,13,14,15,16,40... thuộc bản đồ số 6; thửa số:129,143,145,146,147, 152,153, 175... thuộc bản đồ số 10; hay hàng trăm héc-ta đất khác thuộc bản đồ số 11,15,16,18... bị san lấp cắm mốc, phân lô rao bán nền với giá từ 350 - 750 triệu đồng/100 m2 (tùy theo vị trí), mọi giao dịch chỉ thực hiện bằng giấy tay.
Những gì mà chúng tôi ghi nhận được mới chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” trong việc phân lô bán nề trái phép tại xã Tam Phước (TP.Biên Hòa)
Không chỉ những khu đất nói trên, mà theo ghi nhận của phóng viên, nhiều khu đất khác tại xã Tam Phước cũng có tình trạng tương tự. Tất cả các trường hợp trên, khi có người hỏi mua, chủ đất đều trấn an rằng đang trong quá trình xin chuyển đổi mục đích sử dụng, chỉ trong một thời gian ngắn nữa là có thể tách sổ, cấp sổ riêng cho từng người mua.
Để thực hiện được “dự án” có diện tích lên đến hàng chục ha, các “đầu nậu” đất phải huy động nhiều phương tiện máy móc tiến hành san ủi thi công nhiều hạng mục công trình như đường sá, mương thoát nước, kéo điện hàng tháng trời và theo đó nhiều căn nhà “chui” cũng từ đó “mọc lên” từng ngày ở đây, nhưng điều “lạ” là chính quyền sở tại vẫn không hề hay biết (?!).
Chính quyền sở tại ....thờ ơ?
Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Đồng Nai đã thành lập 3 đoàn thanh tra nhằm làm rõ những sai phạm trong việc phân lô, bán nền, xây dựng trái phép tại 3 điểm “nóng” là huyện Vĩnh Cửu, Trảng Bom và TP.Biên Hòa, và sẽ đề xuất hướng xử lý đối với các cá nhân, đơn vị liên quan trong tháng 6/2018.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết mặc dù tỉnh đã ban hành Quyết định số 03/2018/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn, nhằm ngăn chặn tình trạng phân lô bán nền tràn lan, phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên tại một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý nhà nước về đất đai, dẫn đến tình trạng phân lô, bán nền, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp diễn ra rất phức tạp.
Ông Chánh cho hay: “Theo quy định của pháp luật, khi phát hiện xây dựng trái phép, cấp xã sẽ lập biên bản, xử phạt và có biện pháp ngăn chặn. Thế nhưng, thời gian qua, ở một số địa bàn vấn đề này bị lơ là, chính quyền cơ sở không kiểm soát được tình hình nên phải thanh tra để xử lý”.
Cũng theo ông Chánh, quan trọng nhất là chính quyền địa phương, vì hiện nay quy định của pháp luật rất cụ thể, khi phát hiện xây dựng trái phép, trách nhiệm đầu tiên thuộc về Chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ địa chính, thực hiện lập biên bản, xử phạt và có biện pháp ngăn chặn. Thế nhưng, thời gian qua, ở một số địa bàn vấn đề này bị lơ là, dẫn đến không kiểm soát được tình hình.
Dù các chủ trương của tỉnh là vậy, nhưng thực tế mà phóng viên ghi nhận được tại xã Tam Phước thì các chủ đầu tư vẫn ngang nhiên tiến hành san lấp mặt bằng, rao bán rầm rộ dự án một cách công khai giữa “thanh thiên bạch nhật”, và không hiểu vì lý do gì mà các dự án này không gặp phải bất cứ sự can thiệp, tiến hành xử lý vi phạm nào từ nhà chức trách địa phương.
Chỉ có một điều khác lạ là trước khi đoàn thanh tra về làm việc tại địa phương thì người dân nào cũng biết, và mọi hoạt động của các “chủ đầu tư” chỉ diễn ra trong 2 ngày thứ 7 và chủ nhật, không diễn ra rầm rộ hầu hết các ngày trong tuần như trước đó.
Còn về phía chính quyền xã Tam Phước cũng có động thái xử lý “nóng” là cho máy múc đến múc một mươn nhỏ ở đầu đường tự phát tại các “dự án lụi” này và kèm theo đó là một biên bản xử phạt hành chính(?!).
Đây là “hiện trương” sau khi chính quyền xã Tam Phước xử lý?
Để thông tin đa chiều, chúng tôi đã nhiều lần đặt lịch làm với chính quyền xã Tam Phước cũng như TP.Biên Hòa để nắm rõ vụ việc nhưng đều bị từ chối. Chúng tôi tiếp tục gởi công văn mang theo nội dung câu hỏi của người dân là: Có hay không vấn đề tiêu cực, tiếp tay xảy ra tại đây? Hay đơn thuần chỉ là sự yếu kém năng lực trong công tác quản lý của nhà chức trách địa phương?
Nhưng đã gần 1 tháng trôi qua, chúng tôi vẫn nhận được phản hồi từ xã Tam Phước, còn phía TP.Biên Hòa có văn bản phúc đáp với nội dung: “Do chương trình công tác của lãnh đạo kín lịch nên không có thời gian để tiếp báo chí” (?!)
Dư luận hồ nghi và không khỏi thắc mắc về tính nghiêm minh của pháp luật, và có hay không việc lãnh đạo ở địa phương “bao che”, "tiếp tay” tạo điều kiện để cho những cò đất lộng hành, dễ dàng “phân lô bán nền”,”xây nhà trái phép’”, “băm nát”, phá vỡ quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, ảnh hưởng đến bồi thường, hỗ trợ các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Dư luận đang cần câu trả lời từ phía cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai.
Cao Diên - Hải Dương