Hơn 60 thị trường và các đối tác kinh tế lớn đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với Việt Nam như Trung Quốc, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... chiếm hơn 65% thị phần xuất nhập khẩu của nước ta.
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết 105 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, trong đó nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng các FTA và đơn giản hóa thủ tục hành chính về giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) cho doanh nghiệp.
Việc nộp, xin cấp C/O điện tử trên Hệ thống quản lý và cấp chứng nhận xuất xứ điện tử của Bộ Công Thương đã giúp doanh nghiệp chuyên xuất khẩu vào các thị trường có các hiệp định thương mại tự do tiết kiệm được thời gian, chi phí. Nhất là khi mới đây, Việt Nam và Hàn Quốc đã chính thức công nhận sử dụng dữ liệu C/O điện tử giúp tối ưu hóa thủ tục xuất nhập khẩu.
"Thời gian giao nhận C/O tới tay khách hàng nhanh hơn vài ngày so với trước đây phải gửi chứng từ gốc sang các nước. Khách hàng ở đầu bên kia chỉ cần khai báo hưởng chế độ ưu đãi thuế quan với các dòng hàng", bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu, Tổng Công ty May Bắc Giang, cho biết.
Ảnh minh họa
Như vậy, việc điện tử hóa C/O giữa Việt Nam và các nước đối tác có FTA sẽ giúp hàng hóa vào cửa thuế quan ưu tiên sớm nhất. Đến nay, việc liên thông C/O điện tử đã được thực hiện giữa Việt Nam với các nước ASEAN và Hàn Quốc.
"Kết quả cấp C/O liên thông giữa hệ thống của chúng ta với hệ thống của đối tác, sẽ giảm được tình trạng giấy chứng nhận đến muộn hay bị nhầm lẫm, thất lạc, giảm được tình trạng gian lận", bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay.
"Bên cạnh áp dụng quy trình điện tử, việc công nhận tính pháp lý văn bản điện tử rất quan trọng. Đây là điều mà chúng ta cần phải thống nhất với các đối tác trước khi triển khai điện tử hóa hoàn toàn", ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định.
Bộ Công Thương cũng đang xúc tiến đàm phán với các quốc gia trong Liên minh kinh tế Á - Âu, cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Chile để áp dụng quy trình công nhận C/O điện tử.
Nếu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu sử dụng các loại C/O đạt gần 80 tỷ USD, chiếm hơn 33% tổng kim ngạch xuất khẩu, thì 6 tháng đầu năm nay, con số này đã là gần 40% cho thấy năng lực tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp Việt Nam gia tăng.
Thực tế, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường có hiệp định FTA như EVFTA, CPTPP… mới chiếm khoảng 2% tổng kịp ngạch nhập khẩu của các thị trường này nên còn nhiều dư địa để các doanh nghiệp khai thác.
Trúc Mai