Ngân hàng ACB còn uỷ thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng với tổng số tiền hơn 28.379 tỷ đồng và thu lãi hơn 1.162 tỷ đồng.

Cáo trạng lần 2, VKSND Tối cao truy tố 9 bị can, với nhiều tội danh khác nhau, trong đó có bị can Phạm Trung Can, nguyên Phó Chủ tịch Ngân hàng Á Châu (Ngân hàng ACB) và Huỳnh Quang Tuấn, nguyên thành viên thường trực Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng ACB cùng nhóm đối tượng về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Trước đó, cáo trạng lần 1 truy tố 7 bị can chưa truy tố 2 người này. Cáo trạng xác định vụ án gây thiệt hại tài sản rất lớn xảy ra tại Ngân hàng ACB và một số đơn vị khác tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tổng số tiền thiệt hại do 9 bị can gây ra trong vụ án này là gần 1.700 tỷ đồng.

Bầu Kiên trong trại giam.

Ngoài 7 cựu lãnh đạo Ngân hàng ACB bị truy tố về tội “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, gồm các ông: Trần Xuân Giá; Lê Vũ Kỳ; Trịnh Kim Quang; Phạm Trung Cang; Lý Xuân Hải; Huỳnh Quang Tuấn và Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên).

Còn những hành vi liên quan đến vụ án này có 3 người bị đề nghị xử lý hành chính. Nội dung này thể hiện trong quá trình điều tra được cụ thể do cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an đã có công văn đề nghị Ngân hàng nhà nước chỉ đạo HĐQT Ngân hàng ACB có hình thức xử lý hành chính đối với 3 ông gồm: Nguyễn Văn Hòa, kế toán trưởng Ngân hàng ACB; Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH chứng khoán ACB (Công ty ACBS) và Nguyễn Ngọc Chung, quyền Tổng Giám đốc Công ty ACBS.

Đối với ông Nguyễn Văn Hòa, được thường trực HĐQT Ngân hàng ACB và Tổng Giám đốc uỷ quyền cho ký hợp đồng uỷ thác cho các nhân viên gửi tiền vào 29 ngân hàng. Ông Hòa còn là Trưởng ban kiểm soát Công ty ACBS nhưng lại trực tiếp liên hệ với ngân hàng KienLongbank, Viet bank để cấp tín dụng cho Công ty ACBS đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB trái quy định đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Tuy nhiên, cơ quan tố tụng cho rằng ông Hòa chỉ là người thực hiện các chủ trương này theo chỉ đạo của thường trực của HĐQT Ngân hàng ACB và cá nhân Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên). Quá trình điều tra ông Hòa khai báo thành khẩn, tích cực cộng tác với cơ quan CSĐT Bộ Công an làm rõ bản chất vụ án.

Đối với ông Đỗ Minh Toàn đã ký nghị quyết chấp thuận cho Công ty ACBS hợp tác đầu tư với Công ty ACI và Công ty ACI-HN để đầu tư cổ phiếu Ngân hàng ACB theo nghị quyết của Hội đồng đầu tư Công ty ACBS và ông Toàn là người trực tiếp chỉ đạo đặt lệnh mua cổ phiếu ngân hàng ACB sai quy định gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi của ông Toàn có dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với ông Nguyễn Ngọc Chung, theo chỉ đạo của bầu Kiên và nghị quyết hội đồng đầu tư, ông Chung đã ký nghị quyết chấp thuận cho Công ty ACBS hợp tác đầu tư với công ty CP Đầu tư Á Châu, Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Ông Chung còn là đại diện cho công ty ACBS ký hợp đồng hợp tác đầu tư với 2 công ty nêu trên và trực tiếp thực hiện chủ trương của Hội đồng đầu tư ACBS về đầu tư cổ phiếu của Ngân hàng ACB. Tuy nhiên, 3 ông Hòa, ông Toàn và ông Chung chỉ là người thực hiện làm theo chỉ đạo của bầu Kiên và Nghị quyết của HĐQT. Vì thế, cơ quan CSĐT Bộ Công an nhận thấy không cần thiết phải xử lý hình sự và đề nghị xử lý hành chính nêu trên.

Theo cáo trạng, ngoài ra từ ngày 26/1/2011 đến ngày 22/9/2011, Ngân hàng ACB còn uỷ thác cho nhân viên gửi tiền vào 22 ngân hàng với tổng số tiền hơn 28.379 tỷ đồng và thu lãi hơn 1.162 tỷ đồng. Trong số này, lãi vượt trần là 243 tỷ đồng.

Theo VKSND Tối cao, việc Ngân hàng ACB gửi tiền này là trái quy định tại Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010. Nhưng hành vi chưa gây hậu quả vật chất, số tiền lãi vượt trần đã được Ngân hàng ACB hoạch toán và trích nộp thuế theo quy định nên chưa đủ yếu tố xác định là hành vi phạm tội.

Còn phía các ngân hàng đã nhận tiền gửi với lãi suất vượt trần từ số nhân viên của Ngân hàng ACB do Ngân hàng ACB ủy thác nêu trên, là trái quy định tại Thông tư 02/2011/TT-NHNN quy định về trần lãi suất. Hành vi này do thời hạn điều tra vụ án đã hết, trong khi số lượng ngân hàng liên quan khá nhiều. Do vậy, cơ quan CSĐT Bộ Công an quyết định tách vụ án hình sự đối với hành vi nhận gửi tiền vượt trần đối với số ngân hàng nêu trên để tiếp tục điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Về tài sản và vật chứng trong vụ án: Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã kê biên 3 bất động sản do vợ chồng bầu Kiên đứng tên sở hữu là nhà và đất tại TP. Hồ Chí Minh, đồng thời có văn bản đề nghị Ngân hàng ACB phong tỏa, quản lý toàn bộ số cổ phiếu, cổ phần do bầu Kiên và người thân sở hữu tại Ngân hàng ACB; số tiền 264 tỷ đồng thu giữ của bầu Kiên đã trả lại cho Công ty TNHH một thành viên Thép Hòa Phát là bị hại...

Theo CAND