Thời gian qua, tại TP. Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều ý kiến của phụ huynh học sinh đề nghị xóa bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh theo lớp tại các trường phổ thông nhằm tránh tình trạng lạm thu, đồng thời đề xuất cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học và tăng cường công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết, Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Ban hành Điều lệ cha mẹ học sinh có quy định về nhiệm vụ và quyền của Ban đại diện cha mẹ học sinh tại Điều 4 Chương II.
Đồng thời, tại Điều 10 Chương II của Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT về Kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng quy định rõ nguồn kinh phí hoạt động và việc quản lý và sử dụng của Ban đại diện cha mẹ học sinh.
Ban đại diện cha mẹ học sinh không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường…
Căn cứ Điều lệ, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh nhận thấy hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết, nhất là trong công tác phối hợp với nhà trường giáo dục toàn diện học sinh.
Điều quan trọng là các đơn vị trường học cần đẩy mạnh việc tuyên truyền để mỗi cha mẹ học sinh đều hiểu rõ, hiểu đúng, từ đó phát huy được vai trò và nhiệm vụ của Ban đại diện cha mẹ học sinh một cách tích cực và hiệu quả nhất.
Về việc cấm học sinh sử dụng điện thoại trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh cho biết tại khoản 4 Điều 37 Chương V Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định: “Học sinh không được sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép."
Cũng theo đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh, việc học sinh tùy tiện sử dụng điện thoại di động trong giờ học sẽ khiến các em mất tập trung trong việc tiếp thu bài giảng. Tuy nhiên, nếu khai thác tính năng tương tác, tìm kiếm dữ liệu một cách tích cực thì điện thoại di động sẽ là một công cụ hữu ích.
Về việc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ kết hợp với Sở An toàn thực phẩm TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại bếp ăn, căng-tin các trường học trên toàn địa bàn Thành phố từ ngày 15/9/2024 đến ngày 31/10/2024.
Hoạt động kiểm tra sẽ đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học; từ đó tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.
Hoàng Bách(t/h)