Năm 2013, liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã ban hành hướng dẫn số 73/HD-BGDĐT-BVHTTDL về hướng dẫn sử dụng di sản văn hoá trong dạy học ở trường phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên. Toàn tỉnh hiện có khoảng trên 640 trường thuộc cơ sở giáo dục từ mầm non, phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên với trên 360.000 học sinh.
Ngành giáo dục Quảng Ninh đã thường xuyên hướng dẫn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên các môn thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, những môn được xem là gần về nội dung, có nhiều cơ hội để giáo dục di sản, lịch sử, văn hoá truyền thống hơn hẳn những môn khác.
Nhiều cơ sở giáo dục đã chủ động lồng ghép nội dung giáo dục di sản vào giảng dạy thông qua các chương trình ngoại khóa với các hình thức như: Nói chuyện chuyên đề, tham quan di tích lịch sử, văn hóa, chương trình giáo dục lịch sử truyền thống, giáo dục thẩm mỹ cho học sinh, sinh viên.
Đặc biệt, các trường dân tộc nội trú, các trường có đông học sinh là người dân tộc thiểu số đã lồng ghép nội dung giáo dục văn hoá các dân tộc vào các tiết sinh hoạt hằng tuần, các hoạt động ngoại khóa, quy định học sinh mặc trang phục dân tộc vào thứ hai hằng tuần, trong các ngày lễ Tết, hướng dẫn học sinh sưu tầm tài liệu lịch sử, văn hóa quê hương; chế tác, biểu diễn văn hoá dân tộc.
Để làm tốt công tác giáo dục địa phương, các cơ sở giáo dục đều phối hợp với cha mẹ học sinh, các cơ quan quản lý văn hoá, các cơ sở, thiết chế văn hoá để tổ chức hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm với phương châm học mà chơi, chơi mà học theo các chủ đề: Tết quê, chợ quê, trải nghiệm lễ hội, trò chơi dân gian, tập làm hướng dẫn viên du lịch…
Kho di sản văn hoá của tỉnh có ý nghĩa, giá trị nhiều mặt, là tài liệu có giá trị trong việc dạy học phần giáo dục địa phương theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Từ năm học 2019-2020, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục địa phương được xem là nội dung bắt buộc. Theo đó, ở cấp tiểu học, nội dung giáo dục địa phương được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS và THPT, nội dung giáo dục địa phương có vị trí tương đương các môn học khác.
Việc biên soạn tài liệu đã nhận được sự tham gia của nhiều cán bộ quản lý giáo dục, quản lý văn hóa đang công tác hoặc đã nghỉ hưu. Đến nay, Quảng Ninh đã trình Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt nội dung tài liệu giáo dục địa phương đối với lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 10, 11 và đang chỉnh sửa sau thẩm định đối với các lớp 5, 8, 9, 12.
Cùng với đó, biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương hoàn thành và vượt tiến độ trước 3 năm theo lộ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi được phê duyệt, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn triển khai dạy nội dung giáo dục địa phương, xây dựng kế hoạch tập huấn dành cho cán bộ quản lý, tổ trưởng/nhóm trưởng chuyên môn về sử dụng tài liệu. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, kiểm tra đánh giá đối với nội dung giáo dục địa phương lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10 và ban hành văn bản hướng dẫn dạy học đối với nội dung giáo dục địa phương cấp trung học.
Kết quả là 100% các trường đã triển khai nội dung giáo dục địa phương theo đúng hướng dẫn của các cấp. Bước đầu, các tài liệu này sẽ được giáo viên các cấp sử dụng dưới dạng tài nguyên số, dạng bản mềm.
Văn hoá Quảng Ninh không chỉ được lưu lại trong sử sách, mà còn hiện diện trong hệ thống di tích lịch sử, kho tàng đồ sộ về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, về di sản văn hoá phi vật thể to lớn. Khai thác văn hóa địa phương trong giáo dục sẽ góp phần hướng dẫn hoạt động nhận thức cho học sinh, cũng là phương pháp dạy học trực quan, sinh động và hiệu quả.
Thực tế trên địa bàn tỉnh, đã có rất nhiều trường học đã thực hiện chương trình "Học sinh trải nghiệm sáng tạo" không những góp phần quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc mà cũng là một bước thay đổi quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, góp phần đưa văn hóa, con người Quảng Ninh thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Trần Trang (t/h)