Đánh thức vùng Tây Bắc
Cảng Liên Chiểu được xếp vào cảng nước sâu loại I; là 1 trong 3 cảng lớn nhất của cả nước và là cảng quy mô lớn nhất tại khu vực miền Trung. Theo UBND TP. Đà Nẵng, những giá trị lượng hoá được khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt có thể lên tới hàng chục đến hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm, tương tự như cảng Hải Phòng và cảng TP.HCM.
Không chỉ có vai trò to lớn đối với kinh tế, an ninh quốc gia, cảng Liên Chiểu còn là công trình có ý nghĩa đặc biệt trong việc xúc tiến thu hút đầu tư, tạo sự liên kết vùng thuận lợi. Từ đó, cảng sẽ trở thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của không chỉ Đà Nẵng mà còn đối với cả khu vực miền Trung.
Quy hoạch trọng điểm tại khu vực Tây Bắc Đà Nẵng là phát triển kinh tế biển. Theo đó, việc đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu với tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng được kỳ vọng làm thay đổi diện mạo thành phố này.
Kỳ vọng đột phámới Khu Thương mại tự do
Một cánh cửa mới vừa mở ra cho “Thành phố đáng sống” khi Quốc hội thông qua Nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP. Đà Nẵng. Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 với thời gian thí điểm 5 năm.
Đây là điểm nhấn được kỳ vọng tạo sự đột phá từ nghị quyết này, chính là việc Quốc hội trao cho Đà Nẵng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để thí điểm thành lập Khu Thương mại tự do - một mô hình không còn mới với thế giới, nhưng lần đầu có ở Việt Nam.
Cộng hưởng cùng Cảng Liên Chiểu là chủ trương thành lập Khu thương mại tự do (TMTD) Đà Nẵng nhằm phát huy tối đa lợi thế giao thương. Từ đó, hình thành một khu vực năng động, có tiềm năng để thu hút các tập đoàn quốc tế xây dựng các trung tâm mua sắm tập trung gắn với các dịch vụ chất lượng cao, đa dạng hoạt động thương mại, dịch vụ gắn với vai trò trung tâm của TP. Đà Nẵng.
Trên thế giới, mô hình khu thương mại tự do khá phát triển như: Khu thương mại tự do Thượng Hải, Dubai, Icheon (Hàn Quốc), Singapore… Những khu thương mại tự do này thu hút hàng tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tạo công ăn việc làm cho hàng triệu lao động và trở thành những biểu tượng, trung tâm giao thương năng động nhất khu vực.
Các mô hình khu thương mại tự do kể trên có điểm chung là nằm tại vị trí gần cận với cảng biển, hệ thống hạ tầng được đầu tư mạnh, tương tự với vị thế sẵn có hiện nay của Đà Nẵng. Nhờ vậy, việc hình thành khu thương mại tự do còn có ý nghĩa giúp TP. Đà Nẵng đẩy nhanh quá trình tích lũy vốn và công nghệ, góp phần tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại; đóng vai trò làm đầu tàu kéo theo sự phát triển của các vùng khác và cả nước.
Trong đó, hưởng lợi từ vị trí và quy hoạch đồng bộ, khu vực Tây Bắc Đà Nẵng đang có sự thay đổi ngoạn mục về cơ sở hạ tầng, thu hút phát triển nhiều đại dự án lớn, có ý nghĩa đối với mục tiêu chung. Hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, kinh tế thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm công nghệ cao, kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics trọng điểm tại miền Trung.
Cũng theo quyết định của Quốc hội, doanh nghiệp có dự án đầu tư trong các khu chức năng thuộc Khu thương mại tự do Đà Nẵng được hưởng chế độ ưu tiên về hải quan đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu tại địa bàn Thành phố khi đáp ứng các điều kiện.
Chuẩn bị chỉn chu, bài bản khu đô thị mới
Theo KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng: “Khu thương mại tự do thế hệ mới cũng sẽ kết nối hiệu quả hạ tầng sản xuất và bổ trợ liên hoàn cho các khu, cụm công nghiệp mới sẽ phát triển trong tương lai; kết nối cảng cạn, ga đường sắt, các trục giao thông lớn…Như vậy, khu vực Tây Bắc TP. Đà Nẵng nơi được quy hoạch phát triển khu thương mại tự do sẽ thu hút rất đông dân cư, người lao động đến sinh sống và làm việc, có thể lên đến 6-7 vạn người”.
“Tôi cho rằng, TP. Đà Nẵng đã có quy hoạch và sự chuẩn bị bài bản cho tạo lập đô thị phục vụ phát triển khu thương mại tự do thế hệ mới. Hiện nay, khi chưa có khu thương mại tự do, đã có rất nhiều dự án bất động sản được phê duyệt và khởi công để đón đầu. Bây giờ, Đà Nẵng cần điều chỉnh và gắn kết các khu chức năng cho phù hợp, hiệu quả”, ông Chính khẳng định.
Trong tương lai, khu vực Tây Bắc của TP. Đà Nẵng với những công trình mang tính trọng điểm như: Cảng Liên Chiểu, khu Công nghệ cao và đặc biệt là dự án mới khu thương mại tự do thế hệ mới sẽ mang tới những lợi ích không chỉ về kinh tế mà các yếu tố liên quan tới hạ tầng, xã hội, an sinh… cho khu vực Tây Bắc và TP. Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng không chỉ thu hút vốn đầu tư mà còn góp phần tạo động lực phát triển cho nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, du lịch… đến thị trường việc làm.
Đối với cảng Liên Chiểu, dự án này rộng 450 ha, gồm 8 bến container tiếp nhận tàu 30.000-200.000 DWT; 6 bến tổng hợp tiếp nhận tàu 30.000-100.000 DWT; 1.200 m bến thủy nội địa và 6 bến hàng lỏng, khí, công suất khai thác đạt 50 triệu tấn mỗi năm vào năm 2050. Tổng mức đầu tư hơn 3.400 tỷ đồng. Dự án khởi công cuối năm 2022, dự kiến hoàn thành cuối năm 2025. Khi cảng Liên Chiểu đi vào khai thác sẽ giảm tải cho cảng Tiên Sa hiện hữu (dự kiến chuyển đổi chuyên phục vụ tàu du lịch), giảm áp lực vận tải trong nội đô.
Hoàng Hữu Quyết