Theo đó, UBND thành phố thống nhất đề xuất của ngành giáo dục, tổ chức cho các khối lớp 1, 8 và 9 đi học trực tiếp từ ngày 06/12. Riêng khối lớp 1 không tổ chức học bán trú tuần học đầu tiên, đây là thời gian để các em làm quen với trường, lớp.
“Song song đó, ngành giáo dục cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của UBND thành phố, chủ động triển khai, hướng dẫn cho các địa phương, các trường thực hiện. Cần đặc biệt theo dõi sức khỏe của học sinh, nhất là các em nhỏ khi đi học trở lại, phát hiện kịp thời các dấu hiệu nghi ngờ để có biện pháp phù hợp.
UBND TP. Đà Nẵng cũng khuyến khích ngành giáo dục cho phép một số cơ sở mầm non có đủ điều kiện về phòng, chống dịch được đi học trực tiếp trở lại; kiểm tra, hướng dẫn kỹ các biện pháp cần thiết để kiểm soát dịch bệnh tại trường học”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến kết luận.
Theo Sở Y tế, tính đến ngày 29/11, các địa phương cấp phường, xã đã có báo cáo đánh giá tình hình dịch bệnh theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Cụ thể, trên địa bàn thành phố hiện đã có 34 phường, xã đạt cấp độ 1; 21 phường, xã cấp độ 2 và 1 phường cấp độ 3. Đây là kết quả của các đơn vị, địa phương trong hơn 1 tháng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới theo hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, đặc biệt là nỗ lực kiểm soát, khống chế số ca mắc trong cộng đồng của các địa phương và tăng tỷ lệ tiêm vaccine đối với người trên 50 tuổi.
“Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dịch bệnh trên địa bàn thành phố vẫn còn phức tạp với hàng chục ca nhiễm mỗi ngày, trong đó có nhiều ca cộng đồng không xác định được nguồn lây. Điều đó cho thấy nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh vẫn luôn thường trực.
Đề nghị địa phương khi thay đổi cấp độ nguy cơ dịch bệnh cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch trên tinh thần không chủ quan, lơ là, buông lỏng các nhiệm vụ được giao”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Thị Kim Yến yêu cầu.
Theo đó, khi phát hiện các ổ dịch, điểm dịch mới, các địa phương và ngành y tế cần phối hợp xử lý triệt để, không để tình trạng bỏ sót F0, F1 trong cộng đồng; tiếp tục kiểm soát chặt các khu phong tỏa, cách ly F1 tại nhà, thực hiện các yêu cầu, hướng dẫn y tế theo quy định.
Ngành y tế chủ động hỗ trợ các địa phương về chuyên môn trong việc nhận định, đánh giá, khoanh vùng nguy cơ, khu vực phong tỏa và đề xuất, tham mưu kế hoạch xét nghiệm phù hợp với tiêu chí tiết kiệm, nhanh chóng, hiệu quả. Đối với các sự kiện đông người, các đơn vị, ngành khi tổ chức cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch, đề xuất xét nghiệm nếu cần thiết.
Hoàng Gia Bảo