Ngay sau khi bão số 3 đi qua, những tuyến phố của thành phố Hạ Long ngổn ngang cây gãy đổ, nhiều nơi phương tiện giao thông không thể di chuyển vì cây chặn ngang đường.

Thống kê riêng trong 103 vườn đang được thành phố quản lý, duy trì chăm sóc thì có tới gần 11.000 cây bóng mát bị ảnh hưởng (chiếm 67%) và trong đó có gần 2.800 cây bị đứt rễ, bật gốc, gãy đổ không còn khả năng sinh trưởng, thiệt hại ước tính 22 tỷ đồng. Đối với cây tạo hình là trên 12.700 cây (chiếm 56%) bị ảnh hưởng và trong đó có gần 1.400 cây không còn khả năng sinh trưởng, thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Tổng số cây chà là, cọ, dừa thì chỉ có trên 800 cây bị ảnh hưởng (chiếm 9% tổng số cây chà là, cọ, dừa), thiệt hại khoảng 1,5 tỷ đồng.

Nhiều cây xanh của thành phố bật gốc sau bão.
Nhiều cây xanh của thành phố bật gốc sau bão.

Để nhanh chóng trả lại không gian quang đãng cho người dân, từ ngày 9-15/9, TP Hạ Long đã triển khai chiến dịch cao điểm để tập trung xử lý, dọn dẹp toàn bộ hệ thống cây xanh bị gãy đổ, hư hỏng dọc các tuyến đường chính và trong các khu dân cư.

Trong 7 ngày triển khai chiến dịch, thành phố đã huy động gần 65.000 lượt người tham gia, trên 2.000 phương tiện vận chuyển và cưa máy phục vụ cho việc cắt cây. Tính đến hết ngày 15/9, thành phố đã dọn dẹp được 1.050 tuyến đường phố, thu dọn cây gãy đổ và cơ bản cắt tỉa lại cây xanh còn sống. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, các đơn vị, địa phương đã nhanh chóng rà soát, phân loại cây xanh bị gãy đổ để đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất.

Song song với việc thu dọn cây gãy đổ và tìm cách hồi sinh những cây có khả năng sống, thành phố nhanh chóng xây dựng kế hoạch tái thiết cây xanh đô thị trên địa bàn. Trước mắt, phương án trồng thay thế, bổ sung, trồng mới hệ thống cây bóng mát, cây xanh cảnh quan, cây có hoa trên địa bàn.

Lực lượng chức năng phường Hồng Hải (TP Hạ Long) khôi phục những cây bị gãy đổ, có khả năng sinh trưởng trở lại.
Lực lượng chức năng phường Hồng Hải (TP Hạ Long) khôi phục những cây bị gãy đổ, có khả năng sinh trưởng trở lại.

Qua đánh giá, rà soát từng tuyến phố, vườn cây, hiện nhóm cây trồng bị nghiêng, đổ nhiều nhất trên địa bàn thành phố, gồm một số loại cây bóng mát, như: Bàng Đài Loan, xoài, sao đen, hoa giấy.... Nhóm cây không có khả năng sinh trưởng, phát triển (phải loại bỏ nhiều) là: Osaka hoa vàng, Osaka hoa đỏ, phượng vĩ, bàng Đài Loan, xoài, sao đen. Nhóm cây ít bị ảnh hưởng nhất: Cọ, chà là, dừa. Trên cơ sở đánh giá thực trạng tình hình sinh trưởng, phát triển, ảnh hưởng sau bão và những tiêu chí chọn loại cây hoa, cây xanh đô thị có thể phù hợp với Đề án “Hạ Long - Thành phố của hoa”, giai đoạn 1 thành phố sẽ chống dựng cây nghiêng đổ, bật gốc, trồng bổ sung thay thế những cây không còn khả năng sinh trưởng và vận động người dân, các doanh nghiệp tham gia hỗ trợ trồng cây xanh công cộng đô thị. Một số loại cây được thành phố lựa chọn để khuyến khích trồng, gồm: Bằng lăng, chuông vàng, phượng vĩ đỏ, ban tím Tây Bắc, sao đen, long não, sấu.

Giai đoạn 2, thành phố từng bước triển khai thực hiện theo Đề án “Hạ Long - Thành phố của hoa” đã được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 7555/QĐ-UBND (ngày 28/6/2024). Cụ thể, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cải tạo các vườn hoa, công viên, ưu tiên thực hiện các hạng mục dự án đã có chủ trương của thành phố. Riêng đối với các khu vực UBND thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật có trồng mới cây xanh đô thị thì cho phép tạm dừng để có thời gian đánh giá cụ thể các ảnh hưởng, tác động sau bão nhằm lựa chọn phương án triển khai phù hợp, hiệu quả.

Cán bộ và nhân dân xã Sơn Dương thực hiện nâng đỡ, gia cố các cây xanh trên trục chính đường trung tâm xã bị ảnh hưởng do bão số 3.
Cán bộ và nhân dân xã Sơn Dương thực hiện nâng đỡ, gia cố các cây xanh trên trục chính đường trung tâm xã bị ảnh hưởng do bão số 3. (Ảnh: Đơn vị cung cấp)

Về lâu dài, để kiến thiết lại hệ thống cây xanh đô thị, lựa chọn các loài cây phù hợp, có khả năng chống chịu thiên tai, phù hợp thổ nhưỡng, thành phố thiết lập và nghiên cứu Đề án “Phát triển cây xanh đô thị TP Hạ Long đến năm 2030” với việc thuê đơn vị tư vấn độc lập, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong việc rà soát, đánh giá lại từ chủng loại cây, các vị trí trồng cây, các điều kiện thổ nhưỡng cũng như các không gian để cây xanh phát triển...

Từ đó, đảm bảo chiến lược phát triển hệ thống cây xanh đô thị phù hợp, có bản sắc riêng, đặc trưng vùng miền và thích ứng với điều kiện tự nhiên và biến đổi khí hậu (chống chịu tốt với gió, bão), góp phần vào công cuộc phát triển chung của toàn thành phố.

Trần Trang (t/h)