Bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT lấy ý kiến đóng góp, trong đó dự kiến tăng tỷ lệ lấy điểm học bạ từ 30% lên 50%. Một trong những thay đổi đáng chú ý mà Bộ GD&ĐT mới công bố về thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, đó là dự kiến xét công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng: Tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình GDPT 2018. Đồng thời, tăng hiệu quả đạt mục tiêu kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Dự kiến trên đang nhận nhiều ý kiến, trong đó, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về "nạn" làm đẹp học bạ cho học sinh để đỗ tốt nghiệp. Lo ngại này không phải là không có cơ sở. Bởi trong một vài mùa tuyển sinh trở lại đây, nhiều trường đại học có xu hướng dành nhiều chỉ tiêu bằng phương thức xét tuyển học bạ THPT.
Tuy nhiên, thực tế khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT lại cho thấy độ vênh giữa điểm thi và điểm học bạ ở một số địa phương ở mức cao. Thậm chí, không ít thí sinh dù đạt đến 30 điểm bằng phương thức xét tuyển học bạ nhưng vẫn trượt đại học.
Một giáo viên Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng: Việc tăng tỷ lệ lấy điểm học bạ từ 30% lên 50% là một biện pháp thích hợp. Tuy nhiên, nó cũng là "con dao hai lưỡi" khi có thể tiếp tục tạo đà cho việc "lạm phát" điểm học bạ. Do đó, cần có các công cụ kiểm tra, đánh giá để đảm bảo độ chính xác của kết quả giáo dục trong nhà trường.
Về vấn đề này, TS. Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cũng cho biết, dự kiến này là một chủ trương đúng. "Việc sử dụng kết quả học tập của học sinh ở cả lớp 10, 11 và 12 để xét tốt nghiệp sẽ khó để các nhà trường làm sai lệch điểm số hơn so với cách tính hiện này là chỉ dùng điểm học bạ lớp 12. Mặt khác, chương trình GDPT 2018 chuyển từ truyền thụ kiến thức sang đánh giá năng lực. Như vậy, nếu chỉ dựa vào một kỳ thi thì không thể đánh giá toàn diện năng lực người học mà cần thêm đánh giá năng lực qua quá trình học tập bậc phổ thông".
Đối với lo ngại làm đẹp học bạ, TS. Hoàng Ngọc Vinh cho biết, việc gian lận, mua điểm, làm đẹp học bạ là khó tránh được nhất là khi kết quả học bạ được sử dụng có động cơ là xét tốt nghiệp, xét tuyển đầu vào đại học thì sự liêm chính sẽ dễ bị xem nhẹ.
Để tránh tình trạng gian lận điểm học bạ, TS. Hoàng Ngọc Vinh nêu quan điểm: Ở bậc phổ thông cần áp dụng quản lý bằng học bạ điện tử. Bên cạnh đó, Luật Nhà giáo cần sớm được thông qua để nâng cao trách nhiệm, ý thức nhà giáo. "Từ giáo viên, lãnh đạo trường phổ thông đến các trường đại học nên nhận thức rõ, thương học trò, dễ dãi cho điểm số là hại các em. Nếu năng lực người học không được đánh giá công bằng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nhân lực đất nước".
PV (t/h)