Theo đó, đối tượng tiến hành giao dịch mua bán hàng hóa vi phạm trên các trang thương mại điện tử, các nền tảng ứng dụng như website tự lập, zalo, viber, facebook, youtube… đăng ký thông tin không chính xác để giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, khiến tình hình kinh doanh hàng hóa trên địa bàn diễn biến phức tạp. Phương thức thủ đoạn vi phạm của các đối tượng đó là: Tại điểm bán hàng, các hộ kinh doanh thường trưng bày lẫn lộn hàng giả, hàng thật với nhau, để đánh lừa người tiêu dùng. Một bộ phận người dân còn ưa chuộng hàng có thương hiệu nhưng giá rẻ, đã tạo điều kiện cho các đối tượng sản xuất, phân phối, buôn bán hàng giả hoạt động.
Trước tình hình trên, Cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động bám sát các chỉ đạo của cấp trên – Cục xác định rõ nhiệm vụ đấu tranh chống buôn bán hàng lậu, hàng giả và gian lận thương mại, kinh doanh trái pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm của ngành, góp phần ổn định giá cả thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Theo đó, lãnh đạo Cục chỉ đạo các đội quản lý thị trường trực thuộc đẩy mạnh công tác quản lý địa bàn, rà soát, nắm số thương nhân tăng - giảm (số mới ra kinh doanh, số nghỉ bỏ kinh doanh); đồng thời, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch kiểm tra theo từng chuyên đề, lĩnh vực cụ thể, từng địa bàn trọng điểm, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi bày bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm sở hữu trí tuệ và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, Cục chủ động phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể xã hội, các cơ quan báo chí trung ương và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nhân dân nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến hoạt động thương mại, công nghiệp, dịch vụ thương mại, hiểu rõ tác hại của kinh doanh hàng lậu, hàng giả và các hành vi gian lận thương mại khác, từ đó ủng hộ các lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ. Cục cử công chức quản lý thị trường trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong kinh doanh, dịch vụ thương mại, ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong tháng, đơn vị đã ký cam kết đối với 158 cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Kết quả, trong tháng Tư, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 63 vụ, xử lý vi phạm 45 vụ vi phạm về hàng lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Tổng số tiền thu hơn 1,6 tỷ đồng. Trong đó, tiền xử phạt vi phạm hành chính 488 triệu đồng đồng, trị giá hàng vi phạm gần 1,2 tỷ đồng, tiền bán hàng tịch thu 20,3 triệu đồng, trị giá hàng tiêu huỷ gần 1 tỷ đồng, hàng tồn kho chưa bán hơn 2 tỷ đồng.
Để đạt kết quả tốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian tới, lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Bắc Ninh đề nghị:
Tổng Cục Quản lý thị trường tổ chức các lớp học bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học cho công chức quản lý thị trường, nhất là lĩnh vực kiểm tra, xử lý hành vi sản xuất, kinh doanh hàng hoá kém chất lượng, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, phương thức kiểm tra đối với các hành vi kinh doanh trên thương mại điện tử;
Tổng cục Quản lý thị trường, UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các ban ngành chức năng quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác phối hợp, tăng cường biên chế, nhân lực, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác chống buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, gian lận thương mại để lực lượng quản lý thị trường tỉnh thực hiện nhiệm vụ cấp trên giao đạt kết quả tốt.
Nguyễn Kiên