VN-Index rung lắc và liên tục đổi sắc trong phiên giao dịch sáng 21/10. Tuy nhiên, trụ đỡ chính đến từ cổ phiếu lớn VHM đã giúp thị trường tạm dừng phiên sáng với mức tăng nhẹ.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn duy trì trạng thái ảm đạm. Chỉ số VN-Index sớm trở lại diễn biến giằng co nhẹ quanh vùng giá tham chiếu. Tuy nhiên, sau gần 1 giờ rung lắc, áp lực bán dần dâng cao đã khiến sắc đỏ tràn ngập bảng điện tử.
Nhóm cổ phiếu nhà Vingroup vẫn khá nỗ lực, đặc biệt là pha tăng tốc của VHM, nhưng sự thiếu đồng thuận của thị trường chung, cũng như các nhóm ngành khác, đã khiến thị trường ngày càng nới nhẹ biên độ giảm. Chỉ số VN-Index đã một lần nữa để tuột mất mốc 1.280 điểm và khép lại phiên đầu tuần ở mức giá thấp nhất trong ngày.
Chốt phiên, sàn HOSE có 99 mã tăng và 287 mã giảm, VN-Index giảm 5,69 điểm (-0,44%) xuống 1.279,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 622,8 triệu đơn vị, giá trị 14.347,2 tỷ đồng, giảm 9,6% về lượng và 6,74% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 18/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 42,55 triệu đơn vị, giá trị 852,1 tỷ đồng.
Nhóm VN30 kết phiên giảm gần 5 điểm khi chỉ còn 5 mã tăng và 23 mã giảm, trong đó tâm điểm là họ nhà Vingroup với VHM tăng 5,6%, VRE tăng 1,9%, VIC tăng 1,1%.
Thông tin đáng chú ý tại Vinhomes là theo kế hoạch, Công ty sẽ thực hiện mua lại tối đa 370 triệu cổ phiếu quỹ theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thoả thuận từ ngày 23/10 đến 21/11/2024. Mỗi ngày Vinhomes sẽ đặt mua tối thiểu 11,1 triệu cổ phiếu và tối đa 37 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian diễn ra giao dịch.
Hiệu ứng từ thương vụ mua cổ phiếu quỹ lớn nhất lịch sử chứng khoán Việt Nam giúp VHM bùng nổ trong phiên giao dịch ngày 21/10. Sau khi xác lập đỉnh mới của năm trong phiên giao dịch sáng, cổ phiếu VHM tiếp tục nới rộng biên độ tăng trong phiên chiều và đóng cửa ghi nhận mức tăng 5,6%, lên mức giá cao nhất trong phiên là 47.800 đồng/CP, đây cũng là mức giá cao nhất trong hơn 1 năm.
Đồng thời, chỉ tính riêng VHM đã đóng góp tới gần 2,9 điểm cho chỉ số chung. Thanh khoản của VHM sôi động khi đứng ở vị trí thứ 4 toàn thị trường với hơn 21,52 triệu đơn vị khớp lệnh, đồng thời đây cũng là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất, đạt hơn 100 tỷ đồng.
Chính sự dẫn dắt của bộ 3 cổ phiếu nhà Vingroup đã giúp nhóm cổ phiếu bất động sản là một trong số ít đã ngược dòng thị trường chung thành công, trong bối cảnh phần lớn các nhóm ngành đều đảo chiều giảm. Trong đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò lực cản khá lớn bởi sắc đỏ bao trùm hầu hết các mã trong ngành.
Ngoại trừ điểm sáng EIB đã lội ngược dòng thành công với giao dịch đột biến, dù mã này vẫn mở cửa trong sắc đỏ. Kết phiên, EIB tăng 6,9% lên mức giá trần 20.800 đồng/CP với thanh khoản sôi động nhất thị trường, đạt hơn 34,7 triệu đơn vị và dư mua trần gần nửa triệu đơn vị. Ngoài EIB, có VPB cũng kết phiên tăng nhẹ 0,5%, còn lại đều giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán cũng chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ duy nhất VIX lội ngược dòng tăng 1,3%, đóng cửa tại mức giá 11.500 đồng/CP với thanh khoản chỉ thua EIB, đạt gần 29,2 triệu đơn vị khớp lệnh. Trong khi đó, HCM kết phiên giảm 3%, VND giảm 1% đều đóng cửa ở vùng giá thấp nhất ngày, với thanh khoản đều đạt hơn 12,5 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, áp lực bán dâng cao cũng khiến thị trường chìm trong sắc đỏ và HNX-Index nới rộng biên độ giảm về vùng giá thấp nhất ngày.
Chốt phiên, sàn HNX có 56 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index giảm 1,78 điểm (-0,78%) xuống 227,43 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 42,14 triệu đơn vị, giá trị 733,73 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,77 triệu đơn vị, giá trị 16,67 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán là tâm điểm giao dịch trên sàn HNX, nhưng diễn biến giá các cổ phiếu cũng kém khả quan. Trong đó, ngoại trừ VFS kết phiên tăng 2,7%, còn lại hầu hết đều giảm điểm như SHS giảm 2,6%, MBS giảm 2%, đây cũng là 3 mã có thanh khoản sôi động, thuộc top 5 dẫn đầu thị trường, với SHS khớp hơn 10,5 triệu đơn vị, VFS và MBS cùng khớp 1,8 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu có giao dịch sôi động khác cũng phần lớn loanh quanh ở dưới mốc tham chiếu, như CEO khớp 4,3 triệu đơn vị và MST khớp gần 2 triệu đơn vị, đóng cửa cùng đứng giá tham chiếu; PVS giảm 1% và TIG giảm 0,8%, cùng khớp hơn 1,6 triệu đơn vị, TNG giảm 2% và khớp 1,54 triệu đơn vị, VGS giảm 5,6% và khớp gần 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ và giảm sâu hơn trong phiên chiều.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,56 điểm (-0,6%) xuống 92,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 29,05 triệu đơn vị, giá trị hơn 388 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6 triệu đơn vị, giá trị 117,3 tỷ đồng, trong đó riêng VCR thỏa thuận hơn 4,2 triệu đơn vị, giá trị 88,33 tỷ đồng.
Cổ phiếu BSR vẫn có giao dịch vượt trội trên thị trường UPCoM, với gần 4,5 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng đóng cửa giảm 2,2% về vùng giá thấp trong phiên, đứng tại 21.900 đồng/CP.
Bên cạnh đó, bộ 3 cổ phiếu ngân hàng cũng có giao dịch sôi động, với KLB tăng 0,8% và khớp gần 2,6 triệu đơn vị, ABB đứng giá tham chiếu và khớp 1,46 triệu đơn vị, BVB giảm 0,8% và khớp 1,11 triệu đơn vị.
Cổ phiếu đáng chú ý là TTN đã lấy lại đà tăng mạnh. Kết phiên, TTN tăng 10,1% lên mức giá 15.300 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt hơn 1,1 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm nhẹ trên dưới 5 điểm, trong đó VN30F2411 giảm 2 điểm, tương đương -0,1% xuống 1.363,9 điểm, có thanh khoản sôi động nhất với hơn 165.730 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CVPB2315 do SSI phát hành giao dịch sôi động nhất với gần 6,24 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 6,3% xuống 150 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2405 và CVIC2402 cũng do SSI phát hành đều khớp hơn 2,7 triệu đơn vị, lần lượt đóng cửa đứng giá tham chiếu 40 đồng/cq và tăng 5,6% lên 190 đồng/cq.
Hà Trần (t/h)