Thực hiện chương trình tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV, sáng 30/9, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang có buổi tiếp xúc với cử tri thành phố Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A, tại Hội trường Trung tâm Hội nghị thành phố Ngã Bảy.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại TP Ngã Bẩy, tỉnh Hậu Giang
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp xúc cử tri tại TP Ngã Bẩy, tỉnh Hậu Giang

Trước khi lắng nghe ý kiến của cử tri, thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang, đại biểu Lê Thị Thanh Lam, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã thông tin tới cử tri về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV; thông báo trả lời ý kiến, kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 7.

Dự kiến, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV khai mạc vào ngày 21/10 và bế mạc vào ngày 30/11. Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội và Kỳ họp tiến hành theo 2 đợt. Đợt 1: Từ ngày 21/10 đến ngày 13/11; Đợt 2: từ ngày 20/11 đến ngày 30/11.

Tại Kỳ họp lần này, về công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 16 luật, 2 nghị quyết, cho ý kiến 12 dự án luật; xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.

Quảng cảnh buổi tiếp xúc cử tri
Quảng cảnh buổi tiếp xúc cử tri

Tại buổi tiếp xúc, các cử tri đánh giá cao hoạt động của Quốc hội, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang đã có những hoạt động góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo đời sống an sinh xã hội cho người dân; đồng thời gửi gắn niềm tin đến các ĐBQH sẽ có những ý kiến đại diện cho cử tri của tỉnh Hậu Giang tại nghị trường Quốc hội.

Các cử tri kiến nghị tới Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hậu Giang nhiều vấn đề liên quan tới chính sách bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội; chính sách đất đai, bồi thường tái định cư; sách giáo khoa, chế độ cho các giáo viên mầm non; công tác phòng chống tham nhũng của Đảng...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, trước tình hình đó, Quốc hội đã và đang đổi mới tư duy, cách xây dựng hệ thống pháp luật theo hướng phát hiện những bất cập, khó khăn để sửa luật, nghị quyết. Vì vậy, việc xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm khơi thông nguồn lực, để đảm bảo giải quyết khắc phục điểm nghẽn.

Cử tri nêu các kiến nghị tới đoàn đại biểu Quốc hội
Cử tri nêu các kiến nghị tới đoàn đại biểu Quốc hội

"Bây giờ chúng ta mạnh dạn giao địa phương quyết định, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm và phải trên cơ sở của luật pháp. Việc vận dụng như thế nào để đảm bảo điều kiện phát triển của địa phương. Chúng ta phải kịp thời phát hiện để giải quyết những khó khăn, vướng mắc hiện nay từ cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh, nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống của người dân, giải quyết các vướng mắc, ách tắc. Việc gì xã làm được là xã làm ngay, huyện làm được là huyện làm ngay, tỉnh làm được là tỉnh làm ngay, không trông chờ vào Trung ương. Đây là quan điểm tư tưởng chỉ đạo rất mới" - Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Trả lời câu hỏi của cử tri về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, Chủ tịch Quốc hội cho biết, điểm nổi bật trong công tác này là không có vùng cấm, sai tới đâu, xử lý đến đó; đặc biệt, Đảng ta đã xử lí nhân văn và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Điều này đã mang lại niềm tin cho người dân, làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh.  

Chủ tịch Quốc hội thông báo tới cử tri, Kỳ họp thứ 8 có nhiều luật quan trọng, liên quan đến các địa phương, doanh nghiệp, người dân, như dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế  khi thông qua sẽ được sửa đổi theo hướng đảm bảo công bằng cho người bệnh dù điều trị bằng dịch vụ theo yêu cầu hay bảo hiểm y tế. Hay Luật Nhà giáo, Luật Việc làm sửa đổi cũng sẽ theo hướng quan tâm chăm lo chính sách cho các đối tượng.

Theo VOV.vn