Sau phiên giảm điểm mạnh cuối tuần qua (03/12), hầu hết các công ty chứng khoán đều cho rằng, xu hướng giảm điểm ngắn hạn của thị trường đang quay trở lại. 

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng, tuần tới, nhà đầu tư nên cân nhắc giữ tỷ trọng ở mức hợp lý nhằm tránh rủi ro bất ngờ từ thị trường.

Lý lẽ được các nhà phân tích từ PHS đưa ra là do các tín hiệu kỹ thuật cho thấy xu hướng giảm ngắn hạn của chỉ số VN-Index đang quay trở lại. Phiên giảm điểm cuối tuần là phiên giảm thứ 2 liên tiếp của chỉ số VN-Index. Khối lượng giao dịch vượt mức bình quân 10 và 20 phiên, hàm ý dòng tiền có dấu hiệu thoát ra ngoài.

Thêm vào đó, bộ chỉ báo MACD (trung bình động hội tụ phân kỳ) và RSI (chỉ số sức mạnh tương đối) hướng xuống tiêu cực và duy trì tín hiệu bán, cho thấy chỉ số có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh về lại vùng hỗ trợ 1.400 - 1.422 điểm.

Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index cũng có diễn biến tương tự. Chỉ số có phiên giảm điểm xuống dưới MA20 (đường trung bình di động 20 ngày), cùng với khối lượng giao dịch gia tăng, cho thấy áp lực giảm ngắn hạn đang quay trở lại.

Chỉ số có thể chịu sức ép suy giảm về lại vùng hỗ trợ 411 điểm. Nhìn chung, phiên giảm 03/12 cho thấy thị trường có thể quay lại xu hướng giảm ngắn hạn.

Chứng khoán
Chiến lược đầu tư cho tuần giao dịch chứng khoán từ ngày 06 - 10/12.

Dưới góc nhìn của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau vài phiên tăng bất thành và chưa có định hướng, VN-Index đã phá vỡ vùng hỗ trợ 1.470 điểm và tạo xu thế tiêu cực ngắn hạn. Chỉ số cũng đã giảm nhanh về gần hỗ trợ 1.430-1435 điểm. VDSC cho rằng, nhiều khả năng VN-Index sẽ được hỗ trợ tại vùng này và hồi phục kỹ thuật với vùng cản gần tại 1.465 điểm.

"Do vậy, nhà đầu nên tạm ngưng bán tháo nếu danh mục không quá rủi ro và chờ nhịp hồi phục để đánh giá lại trạng thái thị trường và đưa ra hướng điều chỉnh danh mục cho hợp lý", VDSC khuyến nghị.

Các nhà phân tích từ Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) cho biết, sau khi bật lên từ ngưỡng 1.440, chỉ số VN-Index giảm khá sâu trong tuần này. Tuy nhiên, nhìn dài hơn thì chỉ số chủ yếu chỉ dao động trong biên độ 1.440 - 1.490 điểm.

Thanh khoản cũng có sự sụt giảm nhẹ so với tuần trước, cho thấy phản ứng khá "dè dặt" của dòng tiền cũng như tâm lý hoài nghi của nhà đầu tư trong bối cảnh có nhiều quan điểm đánh giá triển vọng thị trường chứng khoán là không mấy tích cực do sự xuất hiện biến chủng mới Omicron của virus SARS-CoV-2.

Dòng tiền vẫn ít có khả năng sẽ quay trở lại trạng thái dồi dào như trước, nhất là khi thị trường đang trong trạng thái thiếu vắng thông tin hỗ trợ.

Dòng tiền yếu trên thị trường và những lo ngại xung quanh biến chủng Omicron khiến cho triển vọng tăng điểm của chỉ số trong những tuần cuối năm trở nên "mong manh" hơn.

Thanh khoản từng phiên và cả tuần đều sụt giảm so với tuần trước cho thấy dòng tiền đã rút ra một phần và có xu hướng chờ đợi các vùng giá chiết khấu hơn rồi mới quay trở lại.

Tuy nhiên trong ngắn hạn, VCBS vẫn kỳ vọng diễn biến của các chỉ số trong một vài tuần tới sẽ dần ổn định và củng cố thêm nền tích lũy quanh vùng 1.440 - 1.450 điểm.

Theo VCBS, giai đoạn này sẽ phù hợp với những nhà đầu tư theo chiến lược "lướt sóng" ngắn hạn hơn là trường phái đầu tư dài hạn.

Mặt khác, VCBS cũng nhìn nhận rằng một mặt bằng giá mới đang dần được thiết lập kể từ thời điểm VN-Index vượt 1.400 điểm.

Theo đó, nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân với tỷ trọng nhỏ để tích lũy dần những mã cổ phiếu có nền tảng tài chính tốt và tiềm năng tăng trưởng tích cực, trên cơ sở kỳ vọng về sự phân hóa giữa các cổ phiếu dựa trên kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong quý cuối cùng của năm 2021 này, VCBS khuyến nghị.

Về diễn biến thị trường, kết thúc tuần giao dịch từ ngày 29/11 - 3/12, VN-Index giảm 49,71 điểm xuống 1.443,32 điểm; HNX-Index giảm 9,36 điểm xuống 449,27 điểm.

Thanh khoản suy giảm so với tuần trước, đạt gần 33.800 tỷ đồng giao dịch mỗi phiên trên hai sàn. Tính trong cả tuần, giá trị giao dịch trên HOSE giảm 10,5% xuống 148.467 tỷ đồng, tương ứng khối lượng giảm 9,5% xuống 4.834 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, giá trị giao dịch trên HNX tăng 1,5% lên 20.501 tỷ đồng tương ứng khối lượng tăng 6,1% lên 768 triệu cổ phiếu.

Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu chính đều có sự sụt giảm trong tuần qua. Cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh nhất với 6,6% giá trị vốn hóa, các mã tiêu biểu như: CTG giảm 3,8%, ACB giảm 5,9%, MBB giảm 6,6%, TCB giảm 7%, VCB giảm 7,1%, BID giảm 7,6%, SHB giảm 7,8%, VPB giảm 8,9%... tạo áp lực điều chỉnh lên thị trường chung.

Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng và dầu khí với cùng mức giảm 4,9% giá trị vốn hóa. Nhóm công nghệ thông tin giảm 4% giá trị vốn hóa do trụ cột FPT giảm 3,4%, CMG giảm 7%. Ngành tiện ích cộng đồng giảm 3,7%. Cổ phiếu tiêu biểu giảm là GAS với mức 5,3%.

Ngành hàng tiêu dùng giảm 2,4%; trong đó, SAB giảm 2%, VNM giảm 2,8%, MSN giảm 4,1%. Nhóm tài chính giảm 0,8% giá trị vốn hóa và nhóm công nghiệp giảm 0,5%.

Ở chiều ngược lại, chỉ có ngành dược phẩm và y tế tăng 6,9% giá trị vốn hóa. Các cổ phiếu tiêu biểu như: DVN tăng 2,7%, DBD tăng 3,3%, IMP tăng 3,6%, TNH tăng 7,8%, AMV tăng 10,1%, JVC tăng 13,4%, DHG tăng 17,3%, LDP tăng 59,6%.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), rõ ràng là xu hướng và tâm lý thị trường đang có sự suy yếu và trong tuần giao dịch tiếp theo 6/12-10/12, VN-Index có thể cần lùi xuống kiểm tra các vùng hỗ trợ nhằm tìm kiếm lực cầu bắt đáy.

Trúc Mai