Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Trong 2 ngày 6-7/7, tại Thái Nguyên, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 và giai đoạn 2023-2025 khu vực phía Bắc. Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu dự và chỉ đạo hội nghị.

Tham dự hội nghị còn có đại diện một số đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; đại diện bảo hiểm xã hội 20 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Hội nghị là cơ hội để bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố nghe phổ biến, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, các cách làm hay trong công tác phát triển người tham gia và các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện chính sách. Trước đó, hội nghị đã được tổ chức tại khu vực miền Trung và miền Nam.

Vượt khó, đạt nhiều kết quả tích cực

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực và kết quả đã đạt được của toàn ngành và bảo hiểm xã hội các tỉnh thành phố trong 6 tháng đầu năm 2023, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn tác động trực tiếp tới công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, số người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tiếp tục được duy trì và tăng trưởng, góp phần ngày càng quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, phát triển bền vững đất nước.

Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu phát biểu chỉ đạo hội nghị

Để đạt được kết quả đó, thời gian qua, toàn ngành triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp. Trong đó, thực hiện khảo sát, nghiên cứu báo cáo kinh tế - xã hội của các tỉnh để tìm phương án, “kịch bản” phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Trên cơ sở văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hầu hết các địa phương đã chủ động xây dựng kịch bản với nhiều giải pháp cụ thể.

Cùng với đó, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tích cực, chủ động tham mưu trình UBND, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giao chỉ tiêu phát triển người tham gia của địa phương theo Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 19/5/2022; tham mưu ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn ban chỉ đạo; các văn bản chỉ đạo về tăng cường công tác phát triển người tham gia, hỗ trợ thêm mức đóng đối với một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình… Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong trong việc thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Chia sẻ thêm với những khó khăn chung trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu lưu ý vẫn còn một số bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố chưa triển khai quyết liệt, dẫn đến việc số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện có dấu hiệu chững lại so với năm 2022... Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhiệm vụ ngày càng nặng nề, để đạt được mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu bảo hiểm xã hội các địa phương phải xác định được tiềm năng và thế mạnh của mình, từ đó, xây dựng kịch bản phát triển người tham gia phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, tiếp tục học tập, nhân rộng những mô hình hay, cách làm hiệu quả được chia sẻ tại Hội nghị để vận dụng, triển khai vào địa phương mình phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Chia sẻ cách làm hay trong phát triển người tham gia

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Dương Văn Hào- Trưởng Ban Thu- Sổ, Thẻ cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, tập trung vào 4 nhóm giải pháp chiến lược, bao gồm: Chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương; hỗ trợ thêm mức đóng; rà soát để xác định đối tượng tiềm năng; tổ chức khai thác phát triển người tham gia.

Bảo hiểm xã hội các địa phương cần tăng cường phối hợp với các sở, ngành, chính quyền địa phương trong công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kết nối, chia sẻ dữ liệu tiềm năng, thanh tra, kiểm tra các đơn vị có dấu hiệu vi phạm về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đảm bảo rõ nội dung, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm và có kết quả thực hiện đầy đủ. Hằng tháng, bảo hiểm xã hội huyện, thị xã kiểm tra, đánh giá khối lượng nhiệm vụ của từng xã, phường, thị trấn, các tổ chức dịch vụ thu, định kỳ trước ngày cuối tháng, đánh giá kết quả thực hiện đề  xuất, biểu dương khen thưởng các điển hình, mô hình tiên tiến.

Trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ Dương Văn Hào điều hành phiên thảo luận.
Trưởng Ban Quản lý Thu-Sổ thẻ Dương Văn Hào điều hành phiên thảo luận.

Tại hội nghị, đại diện bảo hiểm xã hội một số địa phương trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay về phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đồng thời, thảo luận và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ.

Đại diện một số tỉnh, thành phố cho biết ngay từ đầu năm, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố đã tích cực tham mưu, đề xuất với Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ban hành quy chế phối hợp và quy chế quản lý hoạt động của tổ chức dịch vụ thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, đồng thời áp dụng nhiều giải pháp phát triển người tham gia và thực hiện hiệu quả các chính sách trên địa bàn. Qua đó, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp cơ sở, xã, phường, thị trấn trong việc vận động người dân tham gia, đặc biệt là chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện và bảo hiểm y tế hộ gia đình. Cùng với đó, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức các hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế.

Các mô hình xã hội hóa vận động được nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ, tặng sổ bảo hiểm xã hội tự nguyện, thẻ bảo hiểm y tế cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, thông qua các mô hình, việc truyền thông, vận động trực tiếp người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hình thức tổ, nhóm nhỏ tới từng hộ gia đình được đẩy mạnh, mang lại hiệu quả cao và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Chia sẻ một số giải pháp phát triển người tham gia, đa số các tổ chức dịch vụ thu cho rằng, việc thực hiện đa dạng hóa các hình thức truyền thông, trong đó, chú trọng truyền thông trực tiếp, nhóm nhỏ và truyền thông trên môi trường mạng xã hội; chủ động tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình cho nhân viên thu nhằm xây dựng đội ngũ chuyên nghiệp, hiệu quả… đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực.

BHXH các tỉnh, thành phố chia sẻ kinh nghiệm phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN.
Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chia sẻ kinh nghiệm phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

Xác định tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương

Đánh giá các giải pháp, mô hình của các địa phương, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh, bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần nỗ lực hơn nữa trong phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, qua đó đóng góp thiết thực cho toàn hệ thống. Phó Tổng Giám đốc yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc tiến độ thực hiện nhiệm vụ tại bảo hiểm xã hội các tỉnh thành phố; phân công cán bộ chuyên quản theo dõi, báo cáo tiến độ hằng tháng để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Phó Tổng Giám đốc đề nghị bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố cần bám sát vào chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó tập trung các giải pháp như: Tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ và chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế các cấp, các ngành liên quan nghiên cứu, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tiềm năng để xây dựng giải pháp vận động phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đạt hiệu quả cao hơn; gắn trách nhiệm đến từng cán bộ, nhân viên thu và phải được theo dõi, nghiệm thu chỉ tiêu thực hiện kế hoạch hằng tuần, hằng tháng.

“Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố chỉ đạo từng xã, huyện, cơ sở các cấp thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia, làm việc với phương châm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để hoàn thành tốt nhiệm vụ”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhấn mạnh.

Cùng với đó, mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu và giao chỉ tiêu phát triển người tham gia cho từng tổ chức dịch vụ thu; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đột xuất nhằm kịp thời phát hiện, xử lý những đơn vị vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Với vai trò quan trọng, công tác truyền thông cần tiếp tục được đổi mới, sáng tạo, đa dạng, trong đó chú trọng truyền thông nhóm nhỏ; nhân rộng những mô hình hay, cách thức thực hiện hiệu quả trong công tác phát triển người tham gia phù hợp với tình hình của địa phương.

Trần Nguyên