Chậm thanh toán thẻ tín dụng bị phạt như thế nào?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 3 Thông tư 19/2016/TT-NHNN, thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Hiểu đơn giản thì sử dụng thẻ tín dụng là việc bạn đang sử dụng tiền của ngân hàng để chi tiêu và phải hoàn trả lại cho ngân hàng vào thời hạn đã cam kết.
Tại Điều 13 Thông tư 19/2016/TT-NHNN sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Thông tư 17/2021/TT-NHNN có quy định Hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ phải bao gồm các nội dung tối thiểu sau:
Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ bao gồm: Các hạn mức và sự thay đổi hạn mức sử dụng thẻ, bao gồm cả hạn mức thấu chi (đối với thẻ ghi nợ) và hạn mức tín dụng; lãi suất, phương thức tính lãi tiền vay, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay (đối với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được thấu chi); thời hạn cấp tín dụng, mục đích vay, thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, phương thức trả nợ, phí phạt khoản nợ quá hạn (nếu có). Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ có thể được nêu trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ hoặc tại văn bản thỏa thuận riêng...
Về phí dịch vụ thẻ quy định tại Điều 5 Thông tư 19/2016/TT-NHNN chỉ tổ chức phát hành thẻ được thu phí của chủ thẻ. Tổ chức phát hành thẻ thu phí theo Biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức mình và không được thu thêm bất kỳ loại phí nào ngoài Biểu phí đã công bố. Biểu phí dịch vụ thẻ phải nêu rõ các loại phí, mức phí áp dụng cho từng loại thẻ và dịch vụ thẻ. Biểu phí dịch vụ thẻ của tổ chức phát hành thẻ phải phù hợp với quy định của pháp luật, được niêm yết công khai và phải cung cấp cho chủ thẻ trước khi sử dụng và khi có sự thay đổi. Các hình thức thông báo và cung cấp thông tin về phí cho chủ thẻ phải được quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ. Thời gian từ khi thông báo đến khi áp dụng các thay đổi về phí tối thiểu là 7 ngày và phải được quy định cụ thể trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ.
Như vậy, khi mở thẻ tín dụng thì trong hợp đồng phát hành thẻ sẽ có điều khoản về lãi suất và phí phạt khoản nợ quá hạn (nếu có). Thông thường hiện nay các tổ chức phát hành thẻ thường quy định khoản phí phạt khoản nợ quá hạn. Do đó, khi chậm toán thẻ tín dụng dù 1 ngày thì bạn cũng phải chịu phạt phí trả chậm và lãi suất tương ứng.
Tóm lại, khi chậm thanh toán thẻ tín dụng thì khách hàng sẽ phải chịu phạt phí trả chậm và lãi suất tương ứng theo như thỏa thuận tại hợp đồng phát hành thẻ và biểu phí mà tổ chức phát hành thẻ đã công bố.
Thẻ tín dụng có hạn mức như thế nào theo quy định pháp luật?
Căn cứ theo quy định tại Điều 14 Thông tư 19/2016/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Thông tư 26/2017/TT-NHNN, tổ chức phát hành thẻ thỏa thuận với chủ thẻ về hạn mức thanh toán, hạn mức chuyển khoản, hạn mức rút tiền mặt và các hạn mức khác trong việc sử dụng thẻ đối với chủ thẻ phù hợp với quy định Thông tư 19/2016/TT-NHNN quy định của pháp luật hiện hành về quản lý ngoại hối và các quy định khác của pháp luật.
Đối với hạn mức rút ngoại tệ tiền mặt tại nước ngoài, một thẻ được rút số ngoại tệ tiền mặt tối đa tương đương 30 triệu đồng Việt Nam trong một ngày.
Trúc Mai