Theo một khảo sát mà VCCI đã thực hiện về thực trạng chuyển đổi số của doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19, 3/4 các doanh nghiệp khảo sát đã quan tâm ứng dụng các công nghệ số trước tác động của đại dịch Covid-19. Mặc dù tỷ lệ các doanh nghiệp lớn ứng dụng các công nghệ số cao hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng đã dần bắt kịp kể từ khi có Covid-19 xuất hiện.
Đáng chú ý, tỷ lệ các doanh nghiệp sản xuất chế biến ứng dụng các công nghệ số cao hơn so với các doanh nghiệp phi sản xuất. Tuy nhiên, kết quả khảo sát cũng chỉ ra những điểm đáng lưu tâm khi mà công nghệ số chỉ được doanh nghiệp chủ yếu áp dụng đối với các hoạt động quản trị, logistic, marketing, bán hàng,… trong khi khâu quan trọng nhất là sản xuất lại chưa thực sự được chú trọng.
Theo TS Lương Minh Huân, Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, để chuyển đổi số thành công, doanh nghiệp không thể chỉ đầu tư mua sắm ứng dụng các thiết bị/công nghệ số mà quan trọng hơn là phải đổi mới tư duy, đổi mới mô hình kinh doanh, xác lập mô hình quản trị dựa trên công nghệ số. Những câu chuyện thành công về chuyển đổi số cho thấy, những người đi tiên phong trong chuyển đổi số là những người sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng từ bỏ các mô hình kinh doanh truyền thống để thiết lập mô hình kinh doanh mới, sáng tạo lại các chuỗi cung ứng và quy trình ra quyết định, loại bỏ những công đoạn trung gian, rườm rà.
Đổi mới tổ chức dự trên nền tảng văn hoá sáng tạo sẽ là động lực cho quá trình chuyển đổi số. Có thể nói, việc phải đổi mới mô hình kinh doanh chính là rào cản lớn nhất cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, bên cạnh các khó khăn khác liên quan đến nguồn lực tài chính, năng lực công nghệ, lựa chọn giải pháp tối ưu và tìm kiếm các đối tác tin cậy.
Chuyển đổi số cũng mang đến nhiều thách thức cho doanh nghiệp. Đó là những thách thức trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu, chuyên gia hỗ trợ; kết nối giữa các giải pháp trên thị trường; tiếp cận các nguồn vốn cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Bên cạnh đó, môi trường kinh tế số tại Việt Nam còn rất khiêm tốn.
Trong tình hình như hiện nay, để có thể duy trì tăng trưởng, theo khảo sát của hãng phần mềm Epicor, các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam đang đặt ưu tiên vào việc áp dụng công nghệ và hợp tác trong vận hành. Đây chính là cơ hội của chuyển đổi số vào sản xuất của các nhà sản xuất Việt Nam.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc vùng của Epicor cho biết, có khoảng 49% các nhà sản xuất đã sử dụng điện toán đám mây cho phần lớn hoặc tất cả các quy trình kinh doanh của họ. Trong khi đó, có 80% các nhà sản xuất có kế hoạch chuyển toàn bộ hoặc phần lớn các giải pháp của họ lên đám mây trong năm tới.
“Các giải pháp chuyển đổi số cho sản xuất có rất nhiều điểm đặc thù. Mỗi một ngành sản xuất hay một ngành hẹp, ví dụ như nội thất, cơ khí…đều có những đòi hỏi riêng. Vì thế, ngành sản xuất đòi hỏi một giải pháp phần mềm chuyên sâu và phù hợp với ngành của mình. Tức là phần mềm sản xuất khó có thể mua đại trà được trên thị trường phần mềm. Epicor là một giải pháp chuyên biệt xây dựng cho từng ngành sản xuất”, bà Dung nhấn mạnh.
Theo quan điểm của ông Giang Minh Vương, kỹ sư giải pháp của Epicor, chuyển đổi số chính là tạo ra các sự liên kết về mặt dữ liệu giữa tất cả các bộ phận. Hệ thống ứng dụng của Epicor có 4 nhóm giải pháp. Thứ nhất là IoT, kết nối tất cả các thiết bị sản xuất và theo dõi dữ liệu từ xa tức thời. Thứ hai là phân tích quản trị vừa bao quát và vừa chi tiết. Thứ ba là chuyển đổi ứng dụng hạ tầng lên điện toán đám mây. Và cuối cùng là ứng dụng công nghệ để tương tác với khách hàng.
Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để các doanh nghiệp sản xuất thay đổi cuộc chơi kinh doanh của mình vì đây không chỉ là hệ thống quản trị thông tin đơn thuần, mà là giải pháp để biến nhà máy hiện tại trở thành một nhà máy thông minh. Nhà quản trị có thể ngồi một chỗ và theo dõi hoạt động của bất kỳ bộ phận nào trong nhà máy một cách tức thời, có thể lên kế hoạch và nắm ngay được dự trù kinh phí. Nhân viên có thể làm việc được từ ở bất kỳ vị trí nào mà vẫn có tính bảo mật cao.
Có thể nói, chiến lược quan trọng nhất mà Chính phủ áp dụng để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế - xã hội là tiên phong chuyển đổi số và khuyến khích quá trình chuyển đổi. Một bài học rút ra từ đại dịch Covid-19 là lực lượng lao động cần được trang bị các kỹ năng số cần thiết để nắm bắt và thúc đẩy chuyển đổi. Tốc độ số hóa ngày càng tăng nhanh đã kéo theo nhu cầu tuyển dụng người lao động có các kỹ năng số chuyên biệt cao hơn. Khi người lao động thành thạo và giỏi về kỹ thuật số ngày càng được săn đón, thì nhu cầu phát triển lực lượng lao động cũng vì vậy cũng sẽ lớn hơn.
Việt Anh