Nhiều cơ hội mới cho ngành năng lượng
Việt Nam là một trong những nước Đông Nam Á có tốc độ tăng trưởng GDP nhanh hàng năm. Cụ thể 9 tháng năm 2024, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,82% so với cùng kỳ năm trước.
Điều này cho thấy GDP tăng dẫn đến nhu cầu sử dụng năng lượng cũng tăng cao, sản lượng này dự báo tăng trung bình khoảng 11%/năm. Tốc độ phát triển của nền kinh tế đã tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành năng lượng, đặc biệt là nguồn năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Tuy vậy, hiện tại doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến đầu tư và quy hoạch.
Phát biểu tại Diễn đàn "Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: Nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam", tổ chức ngày 17/10 tại Hà Nội, ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam đánh giá, Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết về chuyển dịch năng lượng, với tham vọng và mục tiêu rõ răng về phát triển bền vững để chuyển dịch từ cơ cầu năng lượng chủ yếu dựa vào than đá sang năng lượng tái tạo.
Việc dịch chuyển năng lượng sẽ tác động trực tiếp và mang đến nhiều cơ hội cho các bên liên quan trong chuỗi cung ứng. Với các nhà phát triển dịch vụ và cung cấp công nghệ, có những cơ hội đáng kể khi có thể đưa ra giải pháp năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực mới; cũng như sự phối hợp với các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp để đưa ra chính sách hỗ trợ cho sản phẩm và dịch vụ mới.
“Sự dịch chuyển sang năng lượng tái tạo cũng mang đến cơ hội cho các nhà cung cấp và đơn vị tham gia vào thị trường khi có dịch vụ mới được phát triển, từ đó tạo nguồn doanh thu mới, giảm chi phí năng lượng và cải thiện thương hiệu”, ông Abhinav Goyal cho hay.
Tuy nhiên, ông Goyal chỉ ra, có một số thách thức đáng kể do việc dịch chuyển này mang lại. Cụ thể, những hạn chế về mặt tài chính sẽ hạn chế các dự án lớn mở rộng quy mô, cũng như sự không chắc chắn về một số quy định gây gián đoạn chuỗi cung ứng, hoặc biến động chi phí nguyên vật liệu có thể dẫn đến lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.
Khi nhìn vào chuỗi cung ứng linh kiện của ngành năng lượng tái tạo, gần 90% nguồn cung của các dự án được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Đây cũng là cơ hội mới để Việt Nam tăng cường sản xuất và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng linh kiện này.
Do đó, bằng cách tận dụng các giải pháp tài chính sáng tạo và đơn giản hóa quy trình phê duyệt, ông Goyal cho rằng, Việt Nam có thể thu hút nhiều vốn đầu tư hơn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ hơn.
Ông Goyal lưu ý, để thúc đẩy hơn nữa chuỗi cung ứng dịch chuyển năng lượng ở Việt Nam, cần giải quyết các thách thức về tài chính như đa dạng hóa sản phẩm tài chính để phù hợp với các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là vốn vay ưu đãi, tài chính hỗn hợp và cơ chế tài chính khí hậu mới.
Bên cạnh đó, thu hẹp khoảng cách năng lực trong chuỗi cung ứng địa phương thông qua việc thúc đẩy liên doanh và chuyển giao công nghệ, kiến thức giữa các công ty trong nước và công ty nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất, linh kiện năng lượng tái tạo. Đồng thời cung cấp các ưu đãi cho doanh nghiệp địa phương đầu tư, phát triển năng lực R&D...
Cuối cùng, ông Goyal cho rằng, cần cải thiện các nút thắt về quy định, bao gồm đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng tái tạo để thu hút đầu tư; thu hút các bên liên quan và cộng đồng địa phương tham gia vào việc xây dựng quy định để giải quyết mối quan tâm của họ; xây dựng cơ chế đặc biệt để thí điểm dự án đổi mới sáng tạo ở quy mô hợp lý để nâng cao năng lực quốc gia trước khi nhân rộng sang dự án thương mại.
Cam kết về chính sách đóng vai trò quan trọng
Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý chuỗi cung ứng và logistics, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT nhận định, khi doanh nghiệp chuyển đổi xanh luôn chú ý đến vấn đề tinh gọn, hiệu quả, chi phí tốt và đem ra được thị trường. Đồng thời, cần phải đảm bảo yếu tố sạch để đưa sản phẩm xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Ngành năng lượng là ngành đặc thù, do đó, cần nghiên cứu, chuyển dịch và quy trình để đưa ra sự phù hợp với mỗi quốc gia và từng ngành.
Hiện nay, có nhiều mối đe dọa đối với sự ổn định của chuỗi cung ứng năng lượng sạch, bao gồm mức độ trưởng thành của công nghệ, các cam kết chính sách, tình trạng thiếu hụt đầu tư và tài trợ, cùng các yêu cầu môi trường khắt khe như áp lực từ khách hàng yêu cầu cần triển khai giải pháp năng lượng xanh, và cam kết chính sách.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, các cam kết về chính sách đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Các chính sách mạnh mẽ và nhất quán có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư, đổi mới và mở rộng quy mô các công nghệ năng lượng tái tạo.
Việt Nam đã xây dựng chính sách hỗ trợ mạnh mẽ phù hợp, tuy nhiên, việc định vị và xác định ý nghĩa chiến lược của những cam kết này sẽ cần trải qua các giai đoạn phù hợp với sự tích lũy của nhu cầu về năng lượng để việc chuyển dịch được bền vững.
“Chúng ta đã đưa ra các chỉ tiêu chuyển đổi xanh rất tốt, đồng thời tạo ra thị trường và cơ hội cho các nhà đầu tư. Do đó, việc hợp tác quốc tế rất quan trọng để hỗ trợ chuỗi cung ứng năng lượng sạch. Xác định chuỗi cung ứng cụ thể, rồi xây dựng kế hoạch hợp tác để chia sẻ rủi ro, nguồn lực và kiến thức là rất quan trọng trong quá trình chuyển đổi năng lượng”, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ quan điểm.
Bên cạnh đó, thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm từ các doanh nghiệp hàng đầu nước ngoài như Samsung, Apple sẽ giúp các doanh nghiệp khác trong nước có lợi thế tốt hơn. Mặt khác, doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận với các nguồn tài chính thông qua việc các dự án nhằm thu hút quỹ đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, ông Hùng cũng cho rằng, hiểu được vị thế của doanh nghiệp là rất quan trọng để thúc đẩy sự tiến bộ của các công nghệ sạch, thúc đẩy hợp tác quốc tế, khuyến khích tích lũy kiến thức để ứng phó với biến động của thị trường và thay đổi trong môi trường chính sách, nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực năng lượng sạch.
Thái Bình