Sự kiện gặp gỡ ICT xuân Nhâm Dần do Hội Tin học Việt Nam chủ trì cùng với sự tham gia đồng tổ chức của 16 tổ chức xã hội nghề nghiệp. Đây là dịp để các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đơn vị đang hoạt động trong lĩnh vực CNTT-TT và bè bạn giới CNTT-TT có dịp giao lưu, trao đổi, chia sẻ, khởi động cho những chuỗi sự kiện, hoạt động sôi nổi và thiết thực trong năm 2022.
Đặc biệt, việc khởi động với các cơ hội mới cũng như đón nhận những thách thức mới của chuyển đổi số, kinh tế số - Gặp gỡ ICT 2022 còn là sự kiện động viên, khích lệ cho giới CNTT-TT ngày càng nỗ lực và phấn đấu nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển ngành.
Tham dự buổi gặp gỡ có ông Nguyễn Quyết Chiến, Tổng thư ký, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; ông Phan Tùng Mậu, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Về phía Doanh nghiệp CNTT-TT có ông Phạm Hùng Thắng, Phó tổng giám đốc VNPT-IT, Tập đoàn VNPT; và đại diện các Tập đoàn lớn như: Tập đoàn FPT; Tập đoàn CMC...
Bên cạnh đó còn có sự tham gia của các lãnh đạo các Hội - Hiệp hội ngành CNTT-TT và đại diện các CLB các Khoa - Viện - Trường CNTT-TT VN, CLB xử lý ngôn ngữ và tiếng nói Việt và CLB Olympic Tin học Việt Nam.
Trong buổi giao lưu, Hội Tin học Việt Nam đã đón chào thành viên thứ 17 của liên minh các Hội và Hiệp hội ngành CNTT-TT Việt Nam là Hội Tin học Y tế Việt Nam.
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam nhận định: Chỉ cần đồng lòng, đồng sức và sự hợp tác của giới KHCN, CNTT-TT cả nước cùng lời kêu gọi khởi động chuyển đổi số quốc gia, khởi nghiệp số của Đảng và Chính phủ thì tôi tin rằng năm Nhâm Dần chúng ta sẽ làm nên kì tích. Cũng như làm tiền đề cho những năm tới để đất nước Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ được công nghệ, hướng tới hội nhập về chuỗi giá trị cách mạng 4.0 toàn cầu và phục vụ cho định hướng tương lai 5.0.
Ông Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam cho hay: Thời gian vừa qua, được sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm chỉ đạo của chính phủ, sự phối hợp của các Bộ ngành TW đến địa phương, đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của cả ngành Y tế và các cộng sự. Năm vừa qua lĩnh vực công nghệ y tế đã dành được một số thành tựu rất đáng nghi nhận như: Phủ sóng toàn bộ từ TW đến địa phương, tất cả mọi nơi đều có cán bộ công nghệ y tế; xây dựng được một hệ thống văn bản vi phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý, đẩy mạnh công nghệ thông tin trong Y tế; xây dựng cổng thông tin y tế, công khai giá cả, trang thiết bị y tế trên toàn quốc.
Chủ tịch Hội Tin học Y tế Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi đã kết hợp với Bộ Y tế thực hiện theo thông tư 46, đã bỏ hẳn bệnh án giấy, đây chính là một bước đột phá của ngành Y tế. Đồng thời, Hội tin học Y tế Việt Nam đã kết nối BHYT, BHXH với 100% các cơ sở khám bệnh, đây cũng chính là thành tựu rất lớn.
Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, y tế từ xa cũng đã rất phát triển, đến nay đã có hơn 1.500 đầu cầu được triển khai. Chúng tôi cũng đã kịp thời phối hợp với Bộ TTTT triển khai kịp thời các ứng dụng CNTT trong phòng chống Covid-19 dưới sự chỉ đạo Ban phòng chống dịch bệnh Quốc gia”.
“Để đẩy mạnh và phát huy những thành tự hơn nữa, Hội Tin học Y tế Việt Nam cần sự phối hợp đồng tâm của các cấp, các ngành từ TW đến địa phương, các doanh nghiệp cùng tham gia vào chuyển đổi số y tế. Có như vậy thì Công nghệ y tế mới ngày càng phát triển” - Ông Tường nhấn mạnh.
Chương trình Giao lưu đầy ý nghĩa của giới CNTT năm 2022 do 17 tổ chức xã hội nghề nghiệp gồm: Hội Tin học Việt Nam, Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Hội Truyền thông số Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, Hiệp hội Internet VN, Hội Tự động hoá VN, Hiệp Hội Thương mại Điện tử VN, Hiệp Hội An toàn Thông tin VN, Hội Thể thao và Giải trí điện tử VN, CLB Phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam, CLB các Khoa - Viện - Trường CNTT-TT Việt Nam, CLB xử lý ngôn ngữ và tiếng nói tiếng Việt, Hội Tin học - Viễn thông Hà Nội, Hội Tin học Tp. HCM, CLB Olympic Tin học VN và Hội Tin học Y tế Việt Nam đồng lòng tổ chức.
H.M