Theo đó, Kế hoạch triển khai nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của thành viên nhà trường trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ ở trong và ngoài trường học; phối hợp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị chung tay tham gia công tác phòng chống ma túy nhằm tạo ra phong trào rộng khắp và xây dựng cơ chế tự phòng vệ cho toàn xã hội trước sự tấn công của tệ nạn ma túy; sử dụng đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy tác động vào thế hệ trẻ và ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, đặc biệt là các trường học tại  khu vực, địa bàn phức tạp về tệ nạn ma túy, góp phần làm giảm số người nghiện, sử dụng ma túy trong tỉnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Bình Dương phấn đấu, đến năm 2025, có 100% cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn tỉnh xác định được thực trạng công tác phòng, chống ma túy trong nhà trường (ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân hạn chế, yếu kém) và hiệu quả của việc tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy cho các thành viên nhà trường, từ đó đề xuất các biện pháp tiếp cận mới, tổng quát và hiệu quả; 100% các cơ sở giáo dục, trường học trong tỉnh tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng chống ma túy với các hình thức, nội dung phù hợp.

Có trên 90% cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục, trường học được trang bị kiến thức và kỹ năng phòng, chống ma túy để có đủ năng lực thực hiện được việc tăng cường lồng ghép, tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy trong giảng dạy chính khóa, hoạt động trải nghiệm và giải quyết các vướng mắc liên quan đến vấn đề ma túy cho học sinh, sinh viên khi cần; 100% nhà trường thành lập Ban chỉ đạo phòng chống ma túy thực hiện nhiệm vụ thường xuyên gắn với nhiệm vụ, hoạt động của nhà trường trong từng năm học và thiết lập được đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phản ánh, tư vấn, hỗ trợ và có giải đáp phù hợp, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác phòng, chống ma túy trong các trường học.

Kế hoạch gồm 9 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, gồm:

Kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện; Tổ chức nắm bắt thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại các nhà trường; Tổ chức truyền thông phòng chống ma túy trong nhà trường; Xây dựng, triển khai bộ tài liệu giáo dục phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên; Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng chống ma túy; Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục phòng chống ma túy trong các hoạt động giáo dục của các cấp học; Tăng cường công tác phối hợp gia đình - nhà trường - xã hội; Tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng chống ma túy; Tăng cường công tác xã hội hóa cùng chung tay phòng chống ma túy trong trường học.

Hoàng Bách