“Bảo tàng” trục đá, cối đá
Căn nhà cấp 4 bình dị của anh Lê Đình Kỷ nằm ẩn mình dưới động Con Khế, nhưng “đập” vào mắt du khách đến thăm là xuất hiện la liệt các trục đá, cối đá giã gạo xếp ngay ngắn hai bên cổng vào. Đến đây, mọi người như được quay ngược thời gian, đưa người xem về với thời kỳ hoàng kim của nông cụ tại huyện lúa Yên Thành một thời.
Anh Kỷ bên những nông cụ của nhà nông một thời.
Nói về kho “bảo tàng” của mình, anh Kỷ chia sẻ: “Mình muốn lưu giữ lại những kỷ niệm của ông cha một thời để con cháu lớn lên và thế hệ mai sau sẽ biết đến giai đoạn làm nông nghiệp vất vả này. Hơn nữa, mình sợ thế hệ sau này không biết mà vứt đi những thứ “tài sản” quý báu này thì thật tiếc”. Việc lưu giữ những nông cụ xưa chính là lưu giữ một phần bản sắc nền sản xuất lúa nước thủ công của nông dân Yên Thành nói riêng và cả nước nói chung. Để có được hàng chục hiện vật nông cụ này, anh Kỷ đã mất nhiều năm đi sưu tầm, thu mua lại các hộ dân vốn không dùng đến những thứ “vô tri, vô giác” này nữa.
Anh Kỷ nhớ lại cơ duyên đến với việc sưu tầm nông cụ của mình: “Vào năm 2005, mình đi đến nhiều hộ gia đình thấy có trục đá và cối đá để ở góc vườn, có nhà còn đập vỡ để kê các vật khác hoặc để xây móng nhà. Thấy tiếc quá, mình bắt đầu đi hỏi dò trong các hộ gia đình và đặt vấn đề xin hoặc mua lại. Cũng từ đó, mình bắt đầu nảy ra ý định là sưu tầm những thứ người ta “vứt đi” này. Mình đi lùng sục khắp xã, gặp nhà nào cũng hỏi dò xem có trục đá, cối đá không, nếu không dùng thì mua lại hoặc xin lại. Cứ thế, ngày càng nhiều, có thời điểm lên tới gần 40 cái. Tuy nhiên, trong một lần “trót dại” đã bị một chủ quán cà phê “gạ” mua mất hơn chục cái. Sau khi họ chở đi, đêm nằm nghĩ lại mới tiếc hùi hụi”.
Những chiếc cối đá, trục đá được anh lưu giữ, sắp xếp cẩn thận.
Đến nay, đã có rất nhiều chủ quán cà phê, thậm chí là những người thích sưu tâm đồ cổ, đồ nông cụ đến tham quan và đặt vấn đề mua lại “một ít” với giá cao nhưng anh Kỷ đều lắc đầu từ chối. “Mình trót dại một lần đã thấy ân hận và “có lỗi” rồi, mình không thể "dại" thêm một lần nữa. Trục đá, cối đá vốn là vật “vô tri, vô giác” nhưng nó lại gợi cho người xem với bao kỷ niệm của một thời làm nông nghiệp vất vả, thủ công. Chính gia đình và bản thân tôi cũng đã một thời dùng đến những thứ này. Vì vậy, khó có thể nói hết những vất vả trong sản xuất nông nghiệp vào giai đoạn này. Đặc biệt là các thế hệ 8X trở về trước khó mà quên được”, anh Kỷ chia sẻ.
Trong kho “bảo tàng” mà anh Kỷ đang lưu giữ hiện có hơn 20 hiện vật gồm trục đá tuốt lúa và cối đá giã gạo của nhiều thời kỳ khác nhau. Cái cũ nhất theo anh Kỷ cho biết xuất hiện vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, cái mới nhất cũng được “sản xuất” vào những năm 1980 trở về trước.
“Bảo bối” nhà nông một thời
Ngày nay, với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ ứng dụng đã tạo nên nền nông nghiệp tiên tiến hơn, năng suất cao hơn và hạn chế lao động thủ công. Máy tuốt lúa liên hợp cùng với máy xát gạo đã thay thế hẳn sức trâu bò và sức người vất vả. Tuy nhiên, trở về thời kỳ làm nông nghiệp thủ công tại các vùng trồng lúa nói chung và huyện lúa Yên Thành nói riêng, trục đá, cối đá giã gạo đã trở thành những nông cụ thân thiết.
Mỗi hoa văn trên trục đá thể hiện sự công phu và tinh xảo của người chế tác ra nó.
Không phải ai cũng chế tác được trục đá, cối đá. Bởi vậy, chỉ có những người thợ đục tài hoa, khéo léo mới có thể chế tác ra những sản phẩm đẹp và mang lại hiệu quả trong sử dụng. Những người thợ tài hoa này được ví như các “nghệ nhân” dân gian. Người dân Yên Thành vẫn truyền tai nhau câu nói “Châu Đanh đục cối Đông Thành” để nói về người thợ đục đá tài ba mà “chảnh chọe” này. Ông đã mất từ lâu nhưng bàn tay tài hoa của ông vẫn được người nông dân huyện lúa ca ngợi. Ông đục đá giỏi đến độ gia đình nào cũng muốn được sở hữu chiếc cối đá, trục đá do chính tay ông tạo ra. Ấy thế vậy mà ông cũng đâm ra "kiêu ngạo". Gia đình nào đã mời ông về đục thì phải chiều ý ông, lỡ làm phật ý ông thì cho dù có trả công cao ông cũng bỏ về không quay lại nữa.
Hai bên trục đá có lỗ để gắn chốt, lắp khung gỗ.
Nói về cách thức chế tác các nông cụ ấy, chúng được làm hoàn toàn bằng thủ công từ một tảng đá lớn lấy từ lèn đá về. Nhờ bàn tay tài hoa của các “nghệ nhân” qua quá trình đục đẽo, gọt dũa kỳ công mới trở thành những sản phẩm đẹp và hữu ích. Trong quá trình đục đẽo, nó đòi hỏi người thợ phải công phu, tỉ mỉ vì chỉ cần mạnh tay tảng đá sẽ bị vỡ và không trở thành chiếc trục đá, cối đá như mong muốn. Để hoàn thành được một sản phẩm, người thợ lành nghề phải bỏ ra thời gian vài tuần thậm chí là cả tháng mới hoàn thành một sản phẩm.
Nói về chiếc trục tuốt lúa, nó vốn được làm bằng đá xanh lấy ở các lèn đá, mỗi chiếc trục đá có trọng lượng khác nhau tùy vào sức người kéo hoặc trâu bò kéo. Ít ai biết rằng trục đá tuốt lúa từng là một “bảo bối” không thể thiếu trong mỗi gia đình làm nông nghiệp ở huyện lúa. Nói là “bảo bối” bởi nó là công cụ này không thể thiếu được trong làm nông nghiệp lúc bấy giờ.
Công việc “tuốt lúa” đối với trục đá khá đơn giản nhưng lại mất rất nhiều thời gian và sức lực. Lúc thu hoạch về sẽ được rải đều ra sân gạch. Trục đá sẽ được lắp ráp vào một khung gỗ hoặc bằng tre có trục quay. Sau đó, hai sợ dùng thừng song song nhau sẽ được buộc vào một đầu khung gỗ, đầu kia của hai dây thừng được buộc một cái chão gỗ (hình vòng cung) có thể dùng cho trâu bò hoặc người ghé vai vào để kéo trục đá đi. Công việc chuẩn bị đã xong, việc “tuốt lúa” cũng bắt đầu.
Để kéo chiếc trục đá này di chuyển nhằm tách hạt và bông rời nhau, người ta phải dùng bằng sức người hoặc dùng sức trâu bò để kéo. Tuy nhiên, phần lớn người ta dùng sức người bởi nếu dùng trâu bò di chuyển nhiều trên sân sẽ dẫn đến nát hạt lúa. Có lẽ hình ảnh người cha lom khom đi trước kéo trục đá di chuyển, đứa con cầm nạng gỗ đẩy theo sau sẽ không thể nào quên trong kí ức mỗi người dân làm nông nghiệp thời bấy giờ. Người cha mồ hôi nhễ nhại, chiếc khăn vắt trên vai ướt sũng cũng là lúc thấm mệt. Nghỉ lấy sức, ăn vội củ khoai lang, uống cốc nước chè công việc “tuốt lúa” lại tiếp tục kéo dài tới cả tiếng đồng hồ mới xong một mẻ lúa.
Quá trình “tuốt lúa” sẽ được đảo đi đảo lại hai đến ba lần nhằm tránh hạt lúa bị nát cũng như lớp lúa nằm phía dưới không được tách ra khỏi bông. Công đoạn này được thực hiện cho đến khi thấy hạt lúa đã rụng ra khỏi bông hết rồi bắt đầu dũ để tách rơm và lúa ra. Rơm sau khi tách được đem phơi, bảo quản để dùng thức ăn cho trâu bò, còn lúa đem phơi khô bảo quản khi nào cần gạo ăn thì đem ra cối đá để giã lấy gạo. Nếu ngày nay, máy tuốt liên hợp chỉ mất khoảng 10 phút để xong một mẻ lúa thì thời bấy giờ, cùng với số lượng lúa như thế sẽ mất cả một giờ đồng hồ, thậm chí là hơn thế nữa.
Một hộ dân đang trục lúa - hình ảnh hiếm gặp trong thời đại khoa học công nghệ bùng nổ.
Công việc “tuốt lúa” vất vả là thế nhưng việc đem lúa vào cối đá giã gạo cũng không kém phần cực nhọc. Nếu thời nay, một bao tải lúa chỉ mất khoảng 30 phút có thể xay xong thì với cối giã phải mất khoảng 2 ngày liên tục mới có thể giã hết số lúa trên. Việc tách vỏ trấu, cám, gạo ra được làm một cách thủ công, tỉ mỉ và mất khá nhiều công sức. Khác với trục đá “tuốt lúa”, cối giã gạo được sử dụng quanh năm, khi không giã gạo, cối đá vẫn được sử dụng trong sinh hoạt gia đình thường ngày.
Trong thời kỳ nông nghiệp lúa nước bằng thủ công như vậy, giữa trục đá với cối đá giã gạo có sự phối hợp nhịp nhàng cho nhau để tạo ra những hạt thóc trắng ngần thơm ngon nhưng cũng thấm đẫm giọt mồ hôi của nhà nông.
Lê Quyết