Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu SZC

CTCK BIDV (BSC)

So với Báo cáo cập nhật gần nhất, chúng tôi duy trì khuyến nghị mua đối với cổ phiếu SZC của Công ty cổ phần Sonadezi Châu Đức với giá trị hợp lý năm 2025 là 44.500 đồng/CP (Upside +19% so với giá đóng cửa ngày 26/09/2024) với WACC = 11%, P/B mục tiêu = 1.5x. So với Báo cáo trước đó, BSC tăng + 36% giá mục tiêu chủ yếu đến từ:

BSC tăng 22% giá trị của dự án KCN Châu Đức do BSC tăng tốc độ tăng giá cho thuê từ 9% lên 12% trong giai đoạn 2023 – 2025 do giá thực tế cao hơn dự báo của BSC.

BSC bổ sung giá trị sổ sách dự án Bất động sản đầu tư. (Giá trị sổ sách 1.020 tỷ đồng)

Ngoài ra, BSC điều chỉnh tăng WACC từ 9% - 10% lên 11% và giảm P/B mục tiêu cho dự án KĐT Châu Đức từ 1.8x xuống 1.5x để phản ánh rủi ro FDI chậm và rủi ro triển khai dự án KĐT.

Trong năm 2024, SZC dự báo SZC ghi nhận Doanh thu thuần đạt 1.210 tỷ đồng (tăng 48% so với năm trước), lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số đạt 237 tỷ đồng (tăng 8%),tương đương EPS FWD 2024 = 1.316 đồng/CP, P/E FWD 2024 = 28.6, P/B FWD 2024 = 2.1x, chủ yếu nhờ bàn giao 40 ha dự án KCN Châu Đức và 16 căn Shophouse KDC Hữu Phước.

Trong năm 2025, SZC dự báo SZC ghi nhận Doanh thu thuần đạt 1,385tỷ đồng (tăng 14%), lợi nhuận sau thuế - cổ đông thiểu số đạt 526 tỷ đồng (tăng 122%), tương đương EPS FWD 2025 = 2,920 đồng/CP, P/E FWD 2024 = 12.9x, P/B FWD 2024 = 1.8x, chủ yếu nhờ bàn giao 30 ha dự án KCN Châu Đức và 40 căn Shophouse KDC Hữu Phước.

Khuyến nghị trung lập dành cho cổ phiếu NAB

CTCK Vietcombank (VCBS)

Chúng tôi khuyến nghị trung lập đối với cơ hội đầu tư vào cổ phiếu NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á với mức giá mục tiêu là 17.208 đồng/cổ phiếu.

Luận điểm đầu tư: Tăng trưởng tín dụng cao hơn trung bình ngành: Tính đến hết tháng 8, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng ở mức 14%. Chúng tôi kì vọng NAB sớm được cấp thêm hạn mức tín dụng và có thể đạt tốc độ tăng trưởng tín dụng 18% cho năm 2024, với động lực đến từ nhóm khách hàng doanh nghiệp.

NIM đi ngang: Với việc lãi suất tiền gửi đã bắt đầu bật tăng trở lại từ tháng 5.2024, chi phí vốn dự kiến sẽ điều chỉnh tăng nhẹ trong các quý tới. Bên cạnh đó, biên lãi ròng NIM đang dần được cải thiện khi ngân hàng xử lý xong phần lớn các tài sản tồn đọng và tỷ lệ tài sản sinh lời tăng nhanh trong các năm gần đây.

Áp lực trích lập giảm đáng kể: Sau khi tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2023, áp lực trích lập dự phòng từ năm 2024 trở đi sẽ giảm bớt đáng kể giúp lợi nhuận của ngân hàng tăng trưởng mạnh mẽ.

Kế hoạch tăng vốn: Room nước ngoài của NAB vẫn còn khá thấp và ngân hàng cũng đang hướng tới thu hút nhà đầu tư nước ngoài, dự kiến năm 2025 sẽ đưa ra kế hoạch tìm kiếm cổ đông chiến lược.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu NT2

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

Doanh thu thuần quý II/2024 của CTCP Điện lực dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) đạt 2.186 tỷ đồng (tăng 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái) và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 122 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ là 144 tỷ đồng. Trong quý II/2024, sản lượng điện thương phẩm đạt 1.026 triệu kWh (giảm 3%). Sản lượng Qc đạt 884 triệu kWh, chiếm khoảng 86% sản lượng điện thương phẩm của NT2. Kết quả kinh doanh tăng nhẹ do với kỳ trước chủ yếu nhờ vào giá bán điện cao hơn, giúp bù đắp sản lượng điện sụt giảm.

Trong quý II/2024, sản lượng điện NT2 được EVN huy động cao hơn so với quý I/2024, đạt 884 triệu kWh (tăng 629% so với quý trước) trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ điện của quý II tăng mạnh và điện than buộc phải giảm công suất phát điện sau thời gian dài hoạt động với công suất lớn. Tổ máy của NT2 cũng mới bước qua giai đoạn đại tu, hỗ trợ cho việc vận hành nhà máy hiệu quả.

Hiện tại, NT2 và Phú Mỹ 1 là 2 dự án còn thời hạn hợp đồng mua khí trong nước với PVGAS và được ưu tiên phân bổ nguồn khí nội địa giá rẻ, trong khi các dự án còn lại có hợp đồng mua khí hết thời hạn buộc phải sử dụng nguồn khí LNG phối trộn/toàn bộ. Sản lượng điện của NT2 vì vậy sẽ được ưu tiên huy động nhờ giá thành rẻ hơn so với các nhà máy sử dụng lợi nhuận gộp là đầu vào.

Dựa trên định giá FCFF và EV/EBITDA, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu NT2. Giá mục tiêu là 21.000 đồng/CP, cao hơn 6,1% so với giá tại ngày 27/09/2024.

Khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu GEG

CTCK KB Việt Nam (KBSV)

CTCP Điện Gia Lai (GEG) ghi nhận lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2024 đạt 127.5 tỷ đồng (tăng trưởng 14,8%) do sản lượng điện sản xuất ước tính tăng 19% so với cùng kỳ. Sản lượng điện gió tăng trưởng cao hơn so với mức nền thấp cùng kỳ nhờ: i) GEG đưa vào vận hành dự án Tân Phú Đông 1 từ tháng 05/23, ii) Tốc độ gió quý I/2024 cao hơn svck giúp cho sản lượng điện được cải thiện.

Với định hướng phát triển năng lượng xanh, GEG tập trung tìm kiếm, đầu tư và phát triển các dự án trong 3 mảng: Thủy điện, Điện mặt trời và Điện gió, trực tiếp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện trong khu vực. Chiến lược này giúp GEG sở hữu những dự án có vị trí thuận lợi, vượt trội về hiệu suất khai thác. Lợi thế tiếp tục được duy trì xuyên suốt trong vòng đời các dự án, qua đó đem lại cho GEG dòng tiền ổn định.

Tân Phú Đông 1 có công suất hoạt động lớn nhất trong các dự án của GEG. Dự án sẽ là động lực tăng trưởng chính của GEG, giúp doanh nghiệp cải thiện mạnh mẽ kết quả kinh doanh trong trường hợp đàm phán giá bán chính thức thành công. Với việc nhà máy đã hoàn thành những yêu cầu về đàm phán giá, nghiệm thu và vận hành ổn định, chúng tôi tin rằng dự án sẽ đàm phán giá bán chính thức bằng 90% giá trần chuyển tiếp ngay trong tháng 11/2024.

Do chi phí của GEG chủ yếu đến từ khấu hao nhà máy và chi phí lãi vay, việc đưa vào vận hành ổn định nhà máy Tân Phú Đông với giá bán cao hơn sẽ giúp công ty cải thiện biên lợi nhuận, đồng thời đưa đòn bẩy tài chính về mức lành mạnh.

Sử dụng phương pháp SOTP, GEG được kỳ vọng giá mục tiêu 16.200 đồng/cổ phiếu, upside 40.3%, tương đương với mức P/B 1.02x, thấp hơn 37% so với trung bình 5Y.

Hà Trần (t/h)