Nước lũ ngập cầu treo Bản Mạ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa
Nước lũ ngập cầu treo Bản Mạ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3 và bão số 4, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xảy ra trận lũ lớn khiến nước tại một số sông chảy qua địa bàn Thanh Hóa như sông Bưởi, sông Mã dâng cao lên mức báo động 3 - là mức báo động cao nhất hiện nay. Dù không xảy ra sự cố vỡ đê, nhưng nhiều đoạn đê đã bị đe dọa, trong đó có những đoạn xuất hiện tình trạng thấm dột.

Trước đó, vào ngày 23/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành văn bản số 7146/BNN-ĐĐ gửi Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc tuần tra, canh gác, đảm bảo an toàn đê điều.

Để đảm bảo an toàn hệ thống đê điều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chức năng thực hiện kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu, các công trình đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đang thi công dở dang. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.

Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và cơ quan chức năng tổ chức lực lượng và nghiêm túc thực hiện việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 06/01/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa lũ; đồng thời theo dõi chặt chẽ diễn biến mực nước lũ trên các triền sông và tình hình hệ thống đê điều, báo cáo kịp thời các sự cố đê điều về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai) để phối hợp chỉ đạo.

Ngay sau đó, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã có công điện gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện: Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa với nội dung phát lệnh báo động 3 trên sông Bưởi, sông Lèn và sông Cầu Chày.

Theo đó, yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện tiếp tục triển khai việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động; tổ chức kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu về đê điều, các cống dưới đê trên địa bàn và sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm "4 tại chỗ" để xử lý ngay khi có tình huống xấu xảy ra.

Bên cạnh đó yêu cầu các địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân sinh sống ở vùng bãi sông; cảnh báo người dân không tham gia các hoạt động đi lại, vớt củi, đánh bắt thuỷ sản ven sông, trên sông.

Thanh Hóa cũng cấm các loại xe cơ giới đi trên đê, trừ các xe hộ đê, xe kiểm tra đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh, cứu thương, cứu hỏa, xe làm nhiệm vụ khắc phục sự cố đê điều, phòng chống thiên tai.

Với tinh thần chủ động triển khai “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) cùng sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của lãnh đạo tỉnh, huy động nhanh nhất lực lượng hỗ trợ đã kịp thời ngăn lại tình trạng thấm dột, không để phát triển thành sự cố vỡ đê, thủng đê.

lực lượng, phương tiện để hộ đê, xử lý khắc phục sự cố.
Các lực lượng, phương tiện  hộ đê, xử lý khắc phục sự cố tại đê Sông Mã đoạn qua xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Tuy nhiên, với hệ thống đê điều lên tới 1.008km, trong đó có nhiều điểm đê xung yếu, rất khó để đảm bảo sẽ không xảy sự cố về đê trong tương lai. 

Để đảm bảo an toàn cho những tuyến đê đòi hỏi phải có sự chủ động hơn. Trước mắt rà soát khắc phục nhanh các điểm đê yếu. Về lâu dài, cần khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các tuyến đê, có sự đầu tư kinh phí thỏa đáng bảo đảm đê điều chống chịu được với các trận mưa lũ lớn như vừa qua. Cùng với đó đảm bảo tốt nhất không gian thoát lũ trên các lưu vực sông.

Đặc biệt, phải đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao thêm một bước ý thức tuân thủ pháp luật về đê điều trong Nhân dân để ngăn chặn từ sớm các hành vi xâm hại an toàn đê điều. Kiểm tra, xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm an toàn hành lang đê điều, công trình thoát lũ, để răn đe.

Phải thống nhất quan điểm, quản lý, bảo trì đê điều là nhiệm vụ không chỉ riêng của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, mà cần sự vào cuộc, chung sức của toàn dân. Có thế mới tạm yên tâm mỗi khi xảy ra mưa lũ.

An Nhiên