THCL Trong điều kiện nhà cao tầng và khu công nghiệp phát triển ngày càng nhiều, nguy cơ cháy, nổ gia tăng nhanh chóng, Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn trong công tác phòng cháy chữa cháy.

Việc PCCC phải được nghiêm túc thực hiện ngay từ khâu lập dự án...

Khó từ ý thức

Trước đây, vấn đề đảm bảo an toàn cháy chủ yếu được coi là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cũng chủ yếu tập trung vào những vấn đề về phòng chống cháy nổ và chữa cháy khi xảy ra.

Dường như lĩnh vực an toàn cháy trong xây dựng chưa thực sự được quan tâm, chưa có những tìm hiểu, nghiên cứu mang tính hệ thống, chuyên sâu có xem xét trực tiếp đến sự tương tác của bản thân các yếu tố của công trình xây dựng đến vấn đề đảm bảo an toàn cháy. Hiện nay, lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu này đã bước đầu được triển khai ở một số cơ sở đào tạo và nghiên cứu ngoài lực lượng cảnh sát PCCC.

Tuy nhiên, theo ThS. Hoàng Anh Giang, Viện KHCN Xây dựng (Bộ Xây dựng), có một thực tế là hệ thống kiến thức cơ bản của lĩnh vực an toàn cháy cho nhà và công trình chưa có điều kiện được giới thiệu trong những cơ sở đào tạo chuyên ngành xây dựng đặc biệt là trong lĩnh vực thiết kế kiến trúc và kết cấu công trình. Do đó, việc tiếp nhận những vấn đề này của các kiến trúc sư, kỹ sư thiết kế thông qua nội dung quy định của các tài liệu chuẩn còn ít nhiều gặp những khó khăn dẫn đến các quy định chậm được áp dụng trong thực tế chuyên môn (chưa được thể hiện rõ nét trong các sản phẩm thiết kế).

Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của mỗi chủ thể trong quá trình thực hành công việc của mình cũng rất quan trọng. Trên thực tế, có những dự án xây dựng với quy mô lớn, ảnh hưởng đến nhiều người sử dụng nhưng sự quan tâm của chủ đầu tư đến vấn đề đảm bảo an toàn cháy chủ yếu chỉ mang hình thức, nhằm hoàn tất hồ sơ theo quy định hoặc thậm chí đến hồ sơ cũng không được bảo đảm theo quy định, nhưng vẫn đưa công trình vào khai thác sử dụng và chỉ đến khi có sự cố cháy xảy ra thì vấn đề mới được xem xét đánh giá.

Đi tìm giải pháp

ThS. Hoàng Anh Giang cho biết, để một công trình xây dựng bảo đảm được các yêu cầu về an toàn cháy thì việc chấp hành các quy định này phải được nghiêm túc thực hiện ngay từ những khâu đầu tiên trong chuỗi các hoạt động xây dựng, tức là lập dự án đầu tư và thiết kế.

Vấn đề cần được đặt lên hàng đầu là phải tạo điều kiện để các chủ thể liên quan nhận biết được vai trò của mình đối với nhiệm vụ bảo đảm an toàn cháy cho công trình và nhận biết được các quy định của pháp luật đối vấn đề này. Do vậy, cần tổ chức tập huấn và phổ biến những kiến thức chung cũng như những kiến thức trong chuyên môn xây dựng về đảm bảo an toàn cháy cho nhà và công trình cho những cá nhân liên quan đến vấn đề này.

“Về lâu dài, các cơ sở đào tạo cần dựa trên các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để nghiên cứu xây dựng chương trình và nội dung phù hợp với chuyên môn phục vụ cho việc phổ biến các kiến thức cơ bản liên quan đến vấn đề an toàn cháy cho nhà và công trình phù hợp với chuyên ngành và trình độ đào tạo. Song trước mắt, đi đôi với việc phổ biến nội dung các quy chuẩn kỹ thuật, cần sớm có chương trình biên soạn tài liệu hướng dẫn để những nội dung quy định kỹ thuật dễ hiểu hơn dễ áp dụng vào thực tế”, ThS. Hoàng Anh Giang khuyến nghị.

Hiện nay, hệ thống quy chuẩn kỹ thuật mới có một số tài liệu nêu những nguyên tắc và yêu cầu chung đối với bảo đảm an toàn cháy cho nhà và công trình, do vậy cần có kế hoạch biên soạn bổ sung những nội dung và quy định cụ thể cho các loại công trình khác nhau. Ngoài ra, để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý chung, cũng cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của nước ngoài liên quan đến vấn đề an toàn cháy cho nhà và công trình.

Ông Nam Dong-Gun, Phó giám đốc Viện PCCC (Hàn Quốc - KFI) chỉ rõ: “Việt Nam là đất nước đang phát triển, nhà cao tầng và khu công nghiệp phát triển ngày càng nhiều, nguy cơ cháy, nổ gia tăng nhanh chóng. Tuy nhiên lĩnh vực công nghiệp PCCC chưa được quan tâm đầu tư, các phương tiện PCCC chủ yếu được nhập khẩu, còn lạc hậu so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Do vậy, Việt Nam cần đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực này, cần nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là hợp tác với các đơn vị PCCC của quốc tế, trong đó có Hàn Quốc. Các đơn vị PCCC của Hàn Quốc sẽ luôn ủng hộ, hỗ trợ để giúp Việt Nam phát triển lĩnh vực công nghiệp PCCC”.

Gia Linh