Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua, TP. Hồ Chí Minh đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp, công nghệ thông tin.
Hiện nay, TP. Hồ Chí Minh là nơi hội tụ nhiều doanh nghiệp lớn ở trong nước và quốc tế, trong đó một số lượng lớn doanh nghiệp công nghệ số đang hoạt động, có sự đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thành phố.
Cũng theo ông Võ Văn Hoan, thực hiện Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 là phải nỗ lực xây dựng thành phố trở thành đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có chất lượng sống tốt và là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, dẫn đầu về kinh tế số, xã hội số và là trung tâm về kinh tế tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ và hội nhập sâu rộng với quốc tế.
Để thực hiện tầm nhìn này, TP. Hồ Chí Minh phải nỗ lực, phấn đấu để đạt mức tăng trưởng bình quân 8 - 8,5%/năm, GRDP bình quân đạt 14.500 USD. Trong đó, tỉ lệ đóng góp kinh tế số cho GRDP đạt 40% trở lên.
"Đây là mục tiêu tham vọng và phải nỗ lực mới thành hiện thực. Do đó, để đạt mục tiêu này, TP. Hồ Chí Minh cần nguồn nhân lực sản xuất mới, được gọi là nhân lực số, công nghệ số; phải hình thành yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số" - Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh.
TP. Hồ Chí Minh mong muốn AUF cùng tổ chức quốc tế khác đồng hành cùng TP.HCM để mở ra thêm nhiều cơ hội hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp, các đối tác trong và ngoài nước. Từ đó, có thể phát triển và triển khai các dự án công nghệ mang tính đột phá trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông, đô thị và môi trường nhằm tạo ra giá trị mới cho cộng đồng.
Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh cam kết quyết tâm nỗ lực xây dựng chính quyền số, nền tảng số, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp.
Hồ Chí Minh mong các doanh nghiệp sẽ cùng nỗ lực chuyển đối số, tiếp tục triển khai và đưa vào hoạt động sản xuất trên môi trường số, cung cấp sản phẩm dịch vụ số hóa để phục vụ cho nhu cầu đời sống xã hội, tiến tới mục tiêu là hỗ trợ người dân được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm dịch vụ số với những chính sách ưu đãi phù hợp.
Theo ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin của thành phố ngày càng lớn, ngày một tăng cao và năm sau cao hơn năm trước, lên đến vài chục ngàn nguồn nhân lực trong một năm.
Cụ thể, nhân lực này không chỉ cần cho cơ quan Nhà nước mà còn cần cho doanh nghiệp. Không chỉ cần cho doanh nghiệp lớn, mà hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng rất cần, tập trung vào các lĩnh vực như phát triển phần mềm, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, an ninh mạng.
Ở góc độ của Sở Thông tin và Truyền thông, ông Lâm Đình Thắng nhìn nhận việc dự báo nhu cầu nguồn nhân lực và đánh giá hiện trạng nguồn lực của thành phố hàng năm là rất quan trọng và cần có con số chính xác.
Do đó, từ đầu năm 2025, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Hội Tin học TP. Hồ Chí Minh thực hiện một đề tài là hằng năm xuất bản một cuốn sách về nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Tại chương trình, ông Lâm Đình Thắng cũng nêu lên thực tế, TP. Hồ Chí Minh đang thiếu đội ngũ chuyên gia tư vấn sâu trong vấn đề công nghệ cao, công nghệ lõi như là AI, vi mạch, dữ liệu lớn…
Hoàng Bách(t/h)