Chỉ đạo trên nhằm chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, bất cập, không phá vỡ quy hoạch sử dụng đất, hạn chế tác động xấu đến môi trường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, tăng cường công tác quản lý nhà nước về sử dụng đất, khai thác nước ngầm và bảo vệ môi trường; kiểm tra, xử lý các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng trong việc chuyển đổi từ đất lúa sang nuôi tôm thẻ, khoan giếng để lấy nước mặn nuôi tôm và hoạt động xả thải ra môi trường không đúng quy định của các cơ sở nuôi tôm thẻ;
Hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp công tác xử lý các vi phạm trong lĩnh vực quản lý tại các địa phương; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên báo cáo UBND tỉnh về kết quả thực hiện.
Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành và địa phương làm việc Công ty điện lực Long An để đề xuất giải pháp phối hợp quản lý trong thời gian tới, nhất là xem xét lại các trường hợp cung cấp điện 3 pha cho người dân sử dụng không đúng mục đích đăng ký ban đầu mà chuyển sang sử dụng nguồn điện để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Đối với UBND các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường, tiếp tục công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân về những ảnh hưởng trước mắt cũng như lâu dài của việc nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt; tuyệt đối không để phát triển thêm diện tích nuôi mới. Địa phương nào còn để tăng thêm diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn thì Chủ tịch UBND huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm pháp luật về chuyển đổi từ đất trồng lúa sang nuôi tôm thẻ, khoan giếng lấy nước mặn và công tác bảo vệ môi trường; Các trường hợp phát sinh mới phải kiên quyết xử lý và buộc khắc phục trả lại hiện trạng đất ban đầu.
Bên cạnh đó, đối với những trường hợp tự chuyển đổi từ đất trồng lúc sang đào ao nuôi tôm thẻ, khoan giếng lấy nước mặn nuôi tôm thẻ phát sinh từ năm 2023 đến nay phải xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật, trong đó buộc phải khôi phục lại hiện trạng đất ban đầu và trám lấp giếng.
Đối với tất cả các hộ nuôi tôm thẻ phát sinh từ trước năm 2023, UBND các huyện, thị xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân tự trám, lấp giếng, ao nuôi tôm; tiến hành rà soát, phân loại cụ thể tùy theo trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định.
UBND các huyện, thị xã phải có kế hoạch, lộ trình hoàn thành xử lý dứt điểm, đảm bảo không còn trường hợp nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn các huyện, thị xã vùng Đồng Tháp Mười.
Ngoài ra, chủ động phối hợp với các viện, trường và các đơn vị có liên quan nghiên cứu lựa chọn đối tượng thủy sản nước ngọt để chuyển đổi cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đảm bảo đúng quy định, gắn với bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc nuôi tôm thẻ chân trắng tại các huyện vùng Đồng Tháp Mười vẫn tiếp tục mở rộng, tăng diện tích qua từng năm mặc dù UBND tỉnh đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc tăng cường công tác quản lý.
Hiện nay, diện tích đất để nuôi tôm thẻ tại 5 huyện, thị xã của vùng Đồng Tháp Mười khoảng 591,7 ha/362 hộ nuôi với tổng số ao nuôi là 1.466 ao; trong đó, huyện Mộc Hóa 279,8 ha/175 hộ, Tân Hưng 117,3 ha/52 hộ, Tân Thạnh 80,5 ha/70 hộ, Thạnh Hóa 71,3 ha/48 hộ, Vĩnh Hưng 23,0 ha/05 hộ; Kiến Tường 19,8 ha/12 hộ.
Nguyên nhân chủ yếu do chính quyền địa phương chưa thực hiện tốt công tác quản lý; việc kiểm tra, xử lý vi phạm về chuyển đổi mục đích sử dụng đất, khoan giếng trái phép để nuôi tôm thẻ chân trắng không kiên quyết ngay từ đầu; hoặc có thực hiện nhưng chưa nghiêm, chưa quyết liệt, thiếu tính răn đe, chưa theo dõi và thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả khi xử lý là buộc trả lại hiện trạng đất ban đầu; vẫn để tồn tại việc nuôi tôm, để người dân hoàn thiện khu nuôi với chi phí đầu tư rất lớn nên khó trả lại hiện trạng đất ban đầu; tình trạng người dân sử dụng điện 3 pha để nuôi tôm không đúng mục đích đăng ký ban đầu đã góp phần cho người dân tiếp tục mở rộng diện tích.
Thuận Yến (t/h)