Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh Bắc Giang hiện có 51 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 35 cơ sở có trụ sở trong tỉnh, còn lại có trụ sở ngoài tỉnh liên kết đào tạo, đặt địa điểm trên địa bàn tỉnh. 

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, trong đó có đào tạo nghề, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động hoạch định, gắn kết công tác giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu thị trường. Năm nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có kế hoạch tuyển sinh, đào tạo 29.000 lao động.

Giáo viên Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn hướng dẫn học viên học nghề cơ điện tử
Giáo viên Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn hướng dẫn học viên học nghề cơ điện tử

Theo Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội  Nguyễn Tiến Cơi, giai đoạn 2021 -2025, tỉnh Bắc Giang xác định công tác giáo dục nghề nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Bởi vậy, Sở đã chủ động xây dựng kế hoạch, đề án tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành một số nghị quyết chỉ đạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Trong đó, nổi bật có Nghị quyết số 61/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. 

Thực hiện nghị quyết trên, tỉnh đã bố trí khoảng 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách hỗ trợ các đơn vị đào tạo nghề cho 6 nghìn người. Dự kiến, năm nay tổng kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 61 tăng lên hơn 10 tỷ đồng. Việc hỗ trợ này, nhằm từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp. 

Hằng năm, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Chính phủ, tỉnh Bắc Giang đã bố trí hàng chục tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề. 

Cùng với các giải pháp trên, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để cung cấp số lao động cần tuyển của các doanh nghiệp cho Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ), từ đó có căn cứ tổ chức các phiên giao dịch việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động phù hợp theo nhu cầu.

Đặc biệt, hằng năm, tỉnh quan tâm dành nguồn vốn đầu tư công xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Riêng năm nay, tỉnh đã bố trí hơn 120 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công để nâng cấp cơ sở vật chất Trường Cao đẳng Công nghệ Việt - Hàn, một số trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên tại các huyện Hiệp Hòa, Yên Thế.

Bá Đoàn