Theo đó, bão số 3 và hoàn lưu bão đã ảnh hưởng nặng nề đối với ngành nông nghiệp của TP. Hải Phòng gây thiệt hại hơn 25.000 con gia súc, hơn 3,1 triệu con gia cầm; ngập lụt khoảng 30.137 ha diện tích canh tác, trên 14.000 ô lồng nuôi trồng thủy sản….

Bão số 3 gây thiệt hại nặng cho ngành nông nghiệp Hải Phòng.
Bão số 3 gây thiệt hại nặng cho ngành nông nghiệp Hải Phòng

Do vậy, ngay sau mưa bão thì các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng như các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khôi phục sản xuất trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi.

Hơn 20.000 lượt cán bộ khuyến nông đã xuống địa bàn, đến từng hộ dân bị ảnh hưởng để trực tiếp hướng dẫn khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất theo tinh thần “nước rút đến đâu, khôi phục sản xuất đến đó”.

Trong lĩnh vực chăn nuôi,Cục Chăn nuôi cũng chủ động xây dựng kế hoạch phục hồi chăn nuôi, cung cấp con giống, thức ăn, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất...

Theo ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, các địa phương cần làm tốt công tác hướng dẫn người dân và chuẩn bị các điều kiện trước khi tái đàn vật nuôi. "Công tác vệ sinh ban đầu và rà soát, đảm bảo an toàn dịch bệnh rất quan trọng. Nếu chúng ta làm không tốt việc này thì việc tái đàn có khi lại là cơ hội để các dịch bệnh bùng phát. Về chuẩn bị thức ăn chăn nuôi, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng an toàn sinh học và sau đấy là quản lý phòng, chống dịch bệnh, nếu khi chuẩn bị một cách đầy đủ và bài bản như thế thì chúng ta mới tái đàn, đảm bảo cho sự phát triển bền vững", ông Thắng nói.

Trong lĩnh vực thủy sản, đến nay, đã có hơn 20 doanh nghiệp ủng hộ người dân trên 90 tỷ đồng để phục hồi sản xuất. “Trước mắt, các địa phương tổ chức quan trắc, giám sát môi trường nuôi trồng thủy sản tại các vùng bị ảnh hưởng do bão, kịp thời thông tin tới người dân về chất lượng nước nuôi trồng thủy sản, đảm bảo người dân khôi phục sản xuất sớm. Các địa phương tổ chức lại sản xuất theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi khép kín”, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản đề nghị.

Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã khiến ngành Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản tại 22 tỉnh, thành phố chịu thiệt hại, trong đó, Quảng Ninh được xác định là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã khiến ngành Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản tại 22 tỉnh, thành phố chịu thiệt hại, trong đó, Quảng Ninh được xác định là địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.

Ông Luân cũng đưa ra ý kiến: "Một số địa phương đang làm giống tốt, như: Ninh Bình, Nam Định đang sản xuất được giống hàu thì đề nghị vận động các cơ sở tăng khả năng sản xuất để cung cấp ngược lại cho các tỉnh nuôi biển như: Hải Phòng, Quảng Ninh. Thứ hai, chúng tôi đang đề nghị các địa phương rà soát nguồn giống cá nước ngọt để bổ sung cho các cơ sở nuôi lồng bè. Cục Thủy sản cũng sẽ điều tiết để các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh giống có thể là phía Nam ra, có thể là giống nhập khẩu về để có được nguồn giống tốt, phục vụ khôi phục sản xuất".

Doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản thu gom lồng bè về sửa chữa để tiếp tục sản xuất sau bão.
Doanh nghiệp, người nuôi trồng thủy sản thu gom lồng bè về sửa chữa để tiếp tục sản xuất sau bão.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các đơn vị trực thuộc Bộ, các địa phương đang tích cực khắc phục hậu quả cũng như đồng hành với người dân khôi phục sản xuất. Thời gian tới, ngoài cơ chế theo Công điện 100 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tiếp tục kiến nghị, đề xuất, tham mưu cho Chính phủ để có cơ chế hoãn, giãn nợ… cho các doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng do bão số 3”.

PV (t/h)