THCL Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Bình Thuận đã ra quyết định xử phạt hành chính 17 cá nhân người Trung Quốc liên quan đến hoạt động mua bán thanh long, mức phạt từ 20 – 50 triệu đồng/cá nhân.

Sự việc tuy mới diễn ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, song đây sẽ là lời cảnh tỉnh đối với nhiều nông dân, cũng như những người chuyên thu mua thanh long tại các tỉnh ĐBSCL…

Thương lái: Vô số thủ đoạn

Tại Bình Thuận, sản phẩm thanh long số lượng lớn bị ứ đọng, giá cả xuống thấp khiến nông dân, nhiều chủ vựa điêu đứng. Mặc dù đã có nhiều cảnh báo, song chiêu trò của các thương lái Trung Quốc vẫn cứ diễn ra và càng thêm phức tạp.

Anh Nguyễn Quốc Bình, một chủ vựa thu mua thanh long đầu tiên ở huyện Hàm Thuận Nam chia sẻ: “Thời điểm đó, có hai thương lái Trung Quốc đến tìm tôi. Họ nói tiếng Việt rất sành và ngỏ ý muốn tìm nguồn cung cấp thanh long số lượng lớn. Lúc đầu, tôi còn hoài nghi. Nhưng khi thấy họ đặt cọc tới 2/3 số tiền khiến tôi tin tưởng vì nghĩ “họ đã đặt cọc như vậy thì chắc muốn làm ăn lâu dài”. Đã có lúc, vựa của tôi tiêu thụ tới 60 tấn thanh long/ngày”.

Từ đây, thương lái Trung Quốc đã tìm cách móc nối làm ăn với nhiều hộ gia đình chuyên thu mua thanh long tại huyện Hàm Thuận Nam.

Mọi việc cứ thế diễn ra suôn sẻ, mặc dù giữa nông dân với thương lái Trung Quốc chỉ là hợp đồng miệng hoặc giấy viết tay và (?). Khi đã tạo được lòng tin với đối tác, thương lái Trung Quốc “dụ” nông dân mở rộng thu mua thanh long và số lượng hàng đặt đã vượt gấp nhiều lần mức sản xuất thông thường.

“Chúng tôi cần số lượng gấp 5 lần hiện tại để phục vụ xuất khẩu. Bà con cứ mở rộng thu mua, chúng tôi cam kết sẽ nhập toàn bộ sản phẩm với giá cao”, một thương lái Trung Quốc đề nghị.

Bà con ai nấy phấn chấn. Mừng vì thanh long được giá, lại mỗi lúc đặt hàng nhiều hơn. Cứ thế, nông dân mở rộng diện tích canh tác hòng sản xuất ra nhiều trái; không ít chủ tham vọng đầu tư hàng tỷ đồng mở rộng vựa nhằm “tranh giành miếng ăn của thương lái Trung Quốc”… Và rồi kết cục rao sao?

Từ chiêu trò chê trái xấu, không đạt chất lượng, đám gian thương ép giá xuống dưới 1.000 đồng, thậm chí chỉ mấy trăm đồng/kg (thông thường giá 5.000 – 6.000 đồng/kg). Đúng là bán không bằng cho! Cuối cùng, cả nông dân và chủ vựa đều lĩnh chung hậu quả: Hàng ứ đọng, không có đầu ra. Nợ ngân hàng thêm chồng chất. Bao mồ hôi, công sức, thời gian, tiền bạc nay đổ sông đổ bể!

Nông dân: Nhẹ dạ cả tin!

Không ít chủ vựa người Việt, giờ phải làm công cho người Trung Quốc. Nhiều thương lái Trung Quốc đã núp bóng DN Việt Nam nhằm đầu cơ trục lợi, thông qua việc mua bán thanh long.

“Làm ăn với người Trung Quốc giống như ngồi trên đống lửa. Không biết họ sẽ trở mặt với mình lúc nào. Nhưng nếu không bán cho họ thì bán cho ai bây giờ?”, một chủ vựa chua xót lên tiếng.

Tại huyện Hàm Thuận Nam hiện có tới 33 cơ sở/tổng số 126 cơ sở thường xuyên hợp tác với thương lái Trung Quốc, 20 cơ sở có thương lái Trung Quốc trực tiếp thu mua thanh long từ các nhà vườn, 5 cơ sở đang được người Trung Quốc thuê lại làm ăn…

“Thương lái Trung Quốc, họ có nhiều mánh khóe, tìm hiểu rất kỹ sản phẩm thanh long tại Việt Nam rồi móc lối, cấu kết với một số cá nhân tại địa phương nhằm thao túng thị trường. Trong khi người trồng thanh long, hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, thiếu sự tính toán nên dễ dàng bị các thương lái Trung Quốc qua mặt bằng những thủ đoạn lừa gạt tinh vi”, TS. Nguyễn Việt Khoa (ĐH Kinh tế TP. HCM) nhìn nhận.

Không chỉ riêng thanh long, mà rất nhiều loại trái cây khác đã – đang và sẽ có nguy cơ rơi vào cái bẫy được giăng sẵn của những gian thương người Trung Quốc.

Lỗi - nằm ở sự nhẹ dạ cả tin của người nông dân. Tuy nhiên, trong vấn đề này, còn có một phần trách của các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại. Đáng lẽ ra, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải định hướng – thường xuyên tuyên truyền cho người dân; có kế hoạch phát triển diện tích cây trồng hợp lý, không chạy theo thị trường nhằm giúp người trồng thanh long và DN nội không bị thua ngay trên sân nhà, đồng thời tạo được một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các DN, nhất là kiểm soát chặt chẽ sự tham gia kinh doanh của những tư thương người nước ngoài

Sương Thu