Vụ khăn Khaisilk: Giảm sút niềm tin! - Hình 1

NTD giảm sút niềm tin vụ khăn Khaisilk 

Có dấu hiệu vi phạm hình sự

Trước hết, nhãn hiệu khăn lụa Khaisilk là thương hiệu đã nổi tiếng nhiều năm tại thị trường trong nước; không chỉ NTD Việt, mà cả khách du lịch quốc tế, các tổ chức nước ngoài cũng đã biết đến nhãn hiệu này, họ thường xuyên mua sản phẩm trên để làm quà tặng khi đến Việt Nam tham dự các sự kiện hoặc đi du lịch.

Việc Tập đoàn Khải Silk bán khăn lụa nhãn mác “Khaisilk - Made in Vietnam” lại có nguồn gốc xuất xứ tại Trung Quốc và chính Chủ tịch tập đoàn này - ông Hoàng Khải đã thừa nhận đó là hàng Trung Quốc, được cắt mác để kinh doanh suốt một thời gian dài (từ 1990 đến nay) với số lượng rất lớn (chiếm 50% sản phẩm đã bán). Đây là việc làm dối trá, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, vi phạm nhãn hiệu, xuất xứ, làm “sụp đổ lòng tin” của NTD, ảnh hưởng lớn đến vấn đề quan hệ thương mại quốc tế. Đáng tiếc cho một thương hiệu đã xây dựng gần 30 năm qua.

Việc có khởi tố hình sự hay không đối với DN này, cần phải căn cứ vào kết quả xác minh của cơ quan điều tra. Nhưng qua việc lực lượng chức năng đã phát hiện, thu giữ hơn 50 sản phẩm khăn lụa, trong đó có một số chiếc đã bị cắt mác và việc thừa nhận ông Hoàng Khải là đã nhập hàng Trung Quốc về gắn mác “Made in Vietnam” để bán ra thị trường nhiều năm qua với số lượng lớn là không đúng với quy định của pháp luật, có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Các cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ thêm để xác định về dấu hiệu của việc buôn bán, sản xuất hàng giả để có biện pháp xử lý thích hợp. Căn cứ vào mức độ, tính chất hậu quả của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả thì ông Khải có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “sản xuất - buôn bán hàng giả” theo Điều 156 - Bộ luật Hình sự 1999.

Xâm phạm quyền lợi NTD

Trường hợp, nếu khách hàng có đơn thư tố cáo vì DN này đã bán hàng giả với số lượng lớn như vậy, thì có thể ông Khải sẽ bị xử lý hình sự về tội “lừa dối khách hàng” theo Điều 162 - Bộ luật Hình sự 1999.

Luật Bảo vệ quyền lợi NTD cũng đã quy định rõ: Quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa. Quyền được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan...

Quyền được lựa chọn hàng hóa, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình. Quyền được góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, phong cách phục vụ...

Quyền được tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD. Quyền được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật. Quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Rõ ràng, ở câu chuyện này, quyền của NTD đã bị “bỏ quên”.

Qua vụ việc trên, cơ quan chức năng cũng cần xác minh, điều tra làm rõ việc nhập hàng Trung Quốc của DN này qua đường nào, chính ngạch hay buôn lậu qua biên giới?

Một đơn vị kinh doanh, vi phạm nhiều năm với số lượng lớn, ở những khu trung tâm và các khách sạn lớn (nơi mà cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra), tại nhiều địa phương khác nhau, nhưng tại sao lực lượng chức năng không phát hiện ra? Việc này cần làm rõ trách nhiệm của các lượng lượng thực thi, liệu ở đây có việc bao che, tiếp tay cho sai phạm hay không?

Đây cũng là bài học “nhãn tiền” cho các DN Việt nói chung trong việc sản xuất, kinh doanh, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm của mình, hướng tới việc xây dựng niềm tin bền vững nơi NTD.

Nguyễn Kiên