THCL Chiều 16/12, tại Hà Nội, Bộ Tài Nguyên và Môi trường phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức công bố kết quả Hội nghị lần thứ 21 các Bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21). Trong đó, Việt Nam đã đề xuất, đóng góp ý kiến và cam kết chung tay cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với BĐKH.

Thứ trưởng bộ tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi họp báo

Tới dự buổi họp báo công bố kết quả Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp Quốc về biến đổi khí hậu , có ông Trần Hồng Hà - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trưởng đoàn đại diện Việt Nam về BĐKH; ông Nguyễn Văn Tuệ – Cục trưởng Cục KTTV &BĐKH; ông Phạm Văn Tấn – Phó cục trưởng Cục KTTV&BĐKH, Phó trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam về BĐKH; các chuyên gia trong lĩnh vực KTTV&BĐKH; cùng các cơ quan thông tấn báo chí.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TN&MT, ông Trần Hồng Hà, Trưởng đoàn đàm phán của Việt Nam tại COP21 cho biết, biến đổi khí hậu đang đe dọa toàn cầu bằng những thảm họa biến đổi khí tới loài người. Các nước cần có những hành động chung bảo vệ trái đất, dù là lợi ích quốc gia, màu da của mỗi quốc gia khác nhau nhưng cùng chung một mối lo về biến đổi khí hậu.

Theo ông Hà, COP21 đã đạt được thỏa thuận quan trọng về mặt pháp thuật rõ rệt và có tính thực thi cao dựa trên những cam kết của các quốc gia. Đây là một thỏa thuận có sự tham gia của 195 nước tham gia và mang tính hành động rất rõ ràng trước những biến đổi khí hậu đang ngày càng đe dọa đến loài người trong tương lai.

Thỏa thuận này dựa trên yêu cầu phát triển chung của thế giới, đảm bảo các điều kiện thực thi tài chính, yếu tố thực thi, cơ chế đánh giá rõ ràng mở ra một trang mới của thế giới sử dụng thay thế từ năng lượng hóa thạch thành năng lượng tái tạo. Điều này đáp ứng trong tương lai thế giới an toàn hơn bền vững hơn. Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn với số lượng tham gia đàm phán của Việt Nam đứng thứ 18 trong các nước, nói lên nỗ lực của Việt Nam, mong muốn…

Cũng tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn - Biến đổi khí hậu đã thông báo về kết quả Hội nghị lần thứ 21 tại Pháp, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp Quốc về biến đổi khí hậu. Trong đó, Việt Nam sẽ đóng góp 1triệu USD vào Quỹ Khí hậu xanh giai đoạn 2016 – 2020. Đồng thời, trong việc giảm phát sinh khí thải nhà kính, Việt Nam thực hiện giảm phát thải so với kịch bản cơ sở là 8% lượng phát thải khí nhà kình vào năm 2030 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Văn Tuệ, Cục trưởng Cục khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cho biết tham dự COP21 có 196 quốc gia tham gia, với khoảng 150 nguyên thủ quốc gia trên thế giới tham dự và có bài phát biểu tại COP21.

Thảo luận các cơ chế phương thức ứng phó với biến đổi khí hậu, cụ thể chương trình có 11 chủ đề bao gồm đóng góp dự kiến quốc gia được tự quyết định, hợp tác về biến đổi khí hậu, các hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp điều kiện quốc gia, giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu.  Kinh nghiệm của các quốc gia trong việc triển khai chiến lược phát thải thấp, các hành động giảm nhẹ khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia trong Công nghiệp và giao thông vận tải.

Cũng trong buổi họp báo, nhiều chuyên gia về BĐKH cho rằng Thỏa thuận Paris được thông qua tại Hội nghị COP21 là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực của Liên hiệp quốc suốt hơn hai thập kỷ qua nhằm giảm lượng khí thải gây ô nhiễm, hạn chế việc tăng nhiệt độ của Trái đất.

Phan Chinh