Cơ hội và thách thức

Trong 30 năm qua, Việt Nam theo đuổi chiến lược hội nhập toàn diện với các đối tác thương mại chính, dẫn đến gia nhập WTO vào năm 2007 và một loạt các hiệp định thương mại bao phủ 53 quốc gia, chiếm gần 90% GDP của thế giới, khoảng 85% kim ngạch nhập khẩu và 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh WTO, Việt Nam còn tham gia 19 hiệp định thương mại tự do chiếm 87% nền kinh tế thế giới và hầu hết các khu vực, trừ châu Phi và Trung Đông.

Nhờ những hiệp định đó, Việt Nam giảm được thuế quan bình quân gia quyền áp cho hàng hóa chế tạo chế biến từ 16,6 xuống còn 1,1%, còn mức giảm đối với hàng sơ cấp là từ 11,2% xuống 2,7% (Chỉ số phát triển thế giới). Trong bối cảnh chia rẽ địa kinh tế gia tăng, các hiệp định thương mại cho phép Việt Nam nổi lên trở thành quốc gia “kết nối”, đem lại tác động tích cực không chỉ về thương mại mà còn về phát triển trong nước. Phân tích ở cấp độ doanh nghiệp cho thấy tương quan cùng chiều giữa mật độ xuất khẩu của các doanh nghiệp năm 2017 với kết quả tăng trưởng về doanh số, năng suất và việc làm.

Thương hiệu Việt từng bước chinh phục nhiều thị trường
Thương hiệu Việt từng bước chinh phục nhiều thị trường

Tuy nhiên, World Bank cũng chỉ rõ: Các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam có phạm vi rộng, nhưng hầu hết lại tương đối nông, chủ yếu tập trung vào hạ thuế quan, ít cam kết về dịch vụ, về các biện pháp phi thuế quan và xử lý tranh chấp. Phạm vi bao phủ của các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam tính theo GDP và lưu lượng thương mại thuộc dạng cao nhất trên thế giới. Ngược lại, chiều sâu của các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam - được tính bằng phạm vi cam kết về các biện pháp phi thuế quan, dịch vụ và sức mạnh của các cơ chế giải quyết tranh chấp - còn tương đối hạn chế.

Phần lớn lợi ích của tự do hóa thương mại đến từ các hiệp định thương mại ưu đãi hiện đại phát sinh nhờ hạ thấp các biện pháp phi thuế quan và tăng cường quy định trong nước. Những hiệp định với các đối tác lớn gần đây, bao gồm EU, Anh Quốc, CPTPP, và Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), được cho là sẽ tiếp tục giảm chi phí thương mại liên quan đến các biện pháp phi thuế quan, trong đó các lĩnh vực nông sản thực phẩm có chi phí được cắt giảm nhiều nhất. Mức giảm ước lên đến gần 60% tổng mức giảm chi phí thương mại đạt được trong ba thập kỷ trước. Đó là tác động nhờ giảm bất định về chính sách thương mại, tăng cường hội nhập qua hội nhập vào các chuỗi giá trị và thương mại hàng hóa trung gian, và các điều khoản hiệp định thương mại ưu đãi cụ thể nhằm vào rào cản phi thuế quan.

Các hiệp định thương mại ưu đãi hiện đại có nội dung bao trùm nhiều lĩnh vực chính sách, đưa ra các quyền tiếp cận thị trường mới, và bảo hộ quyền hội nhập, bao gồm các quy tắc xuất xứ và rào cản kỹ thuật với thương mại. Bằng chứng cho thấy các hiệp định thương mại ưu đãi có thể bảo vệ quốc gia ký kết khỏi những chính sách công nghiệp mang tính phân biệt đối xử.

Việc hài hòa các chuẩn mực và chấp nhận lẫn nhau thông qua các hiệp định thương mại ưu đãi có thể giúp tăng cường thể chế trong nước và quá trình tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu. Tăng cường chiều sâu các hiệp định thương mại ưu đãi vì thế sẽ hỗ trợ nâng cao vị thế cả về kinh tế cũng như trong tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, đảm bảo khả năng chống chịu các cú sốc.

Hội nhập sâu trong khu vực và trên toàn cầu tiếp tục đem lại những lợi ích to lớn cho Việt Nam. Trên góc độ kinh tế và chiến lược, tập trung tiếp tục đẩy mạnh các hiệp định song phương và đa phương nhằm hội nhập sâu vào các thị trường chiến lược là cách để đa dạng cả các nguồn nhập khẩu và nhu cầu về hàng xuất khẩu của quốc gia.

Những lĩnh vực được hưởng lợi

World Bank cũng đánh giá tác động đến phúc lợi nhờ hạ thấp các biện pháp phi thuế quan trong các hiệp định thương mại ưu đãi hiện hành của Việt Nam qua sử dụng mô hình cân bằng thổng thể toàn cầu động.

Dệt may là một trong nhiều ngành được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại
Dệt may là một trong nhiều ngành được hưởng lợi từ các hiệp định thương mại

Theo dự báo, hạ thấp các biện pháp phi thuế quan trong khuôn khổ các hiệp định thương mại ưu đãi hiện hành sẽ giúp nâng thu nhập thực, GDP thực cũng như lưu lượng xuất khẩu khẩu của Việt Nam. Chi phí thương mại giảm xuống nhờ hạ thuế quan và các biện pháp phi thuế quan dẫn đến giảm đơn giá hàng nhập khẩu, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của nền sản xuất trong nước đang sử dụng các đầu vào nhập khẩu, phục vụ cả xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Kết quả là có sự dịch chuyển về sản xuất hướng tới những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế cạnh tranh nhất, dẫn đến cải thiện về năng suất, tăng trưởng thương mại và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Giảm chi phí thương mại cũng có lợi cho thương mại với các quốc gia ngoài các hiệp định thương mại ưu đãi, góp phần khiến cho tăng trưởng thương mại với các quốc gia đó tăng nhẹ. Hơn nữa, tác động phúc lợi chung cũng gắn chặt với các lĩnh vực Việt Nam có lợi thế so sánh. Trong một số trường hợp, các lĩnh vực được hưởng lợi qua RCEP thể hiện tăng suất cao hơn so với dự báo tăng trưởng trong kịch bản cơ sở, sản xuất được tái phân bố có thể dẫn đến lợi ích đáng kể về tăng trưởng năng suất và thu nhập trên toàn quốc. Quy mô của những tác động đó cao hơn so với những gì thấy được qua các kịch bản tự do hóa thuế quan được xem xét. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là khi đánh giá tác động đến tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam, sự chênh lệch về tác động ít nổi bật hơn, cụ thể khi so sánh với CPTPP.

Các biện pháp phi thuế quan được hạ thấp trong khuôn khổ các hiệp định thương mại ưu đãi hiện hành dự kiến sẽ đẩy mạnh xuất khẩu hàng lương thực thực phẩm và hàng chế tạo chế biến. Đặc biệt kim ngạch xuất khẩu hàng điện tử, hàng dệt, may mặc và thịt dự báo sẽ tăng trưởng nhiều nhất theo kịch bản này. Tăng trưởng cao dự kiến sẽ diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực chế tạo chế biến.

Các biện pháp phi thuế quan được hạ thấp trong khuôn khổ các hiệp định thương mại ưu đãi hiện hành dự kiến sẽ hỗ trợ cả xuất khẩu dịch vụ du lịch. Ngược lại xuất khẩu tài nguyên và năng lượng dự kiến sẽ giảm so với kịch bản như hiện hành vì các yếu tố sản xuất gồm lao động và vốn sẽ dịch chuyển sang các lĩnh vực tăng trưởng.

Theo các kịch bản tự do hóa khác nhau, sản xuất hàng hóa chế tạo chế biến ở Việt Nam dự kiến tăng đáng kể. Hàng điện tử, dệt, may mặc và thiết bị vận tải dự kiến được chứng kiến tốc độ tăng trưởng lớn nhất theo kịch bản các biện pháp phi thuế quan được hạ thấp. Ngược lại, sản xuất dệt và may mặc dự kiến sẽ tăng trưởng đáng kể trong phạm vi các khuôn khổ tự do hóa thuế qua của CPTPP và EVFTA. Bên cạnh đó, hạ thấp các biện pháp phi thuế quan sẽ đẩy mạnh sản xuất dịch vụ, đặc biệt là những lĩnh vực dịch vụ du lịch, truyền thông và dịch vụ phục vụ doanh nghiệp. Giảm chi phí đầu vào trung gian nhập khẩu rất có lợi cho các lĩnh vực thâm dụng đầu vào của Việt Nam. Trong số các kịch bản được xem xét, nhập khẩu hàng chế tạo chế biến sẽ tăng vọt, tăng cao nhất là trong kịch bản các biện pháp phi thuế quan được hạ thấp. Cụ thể, nhập khẩu hàng điện tử sẽ đạt tăng trưởng cao nhất theo kịch bản này. Ngoài ra các kịch bản tự do hóa thương mại cũng góp phần cho tăng trưởng nhập khẩu ở một số sản phẩm nông sản nhật định, như sản phẩm cây trồng và thực phẩm, cũng như dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch.

Tiếp tục tăng cường quan hệ thương mại để chuyển từ quốc gia “kết nối” thành quốc gia đầu mối thương mại. Trong điều kiện chia rẽ kinh tế kinh tế chính trị, cách tiếp cận của Việt Nam theo hướng đa dạng hóa quan hệ thương mại và đầu tư thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại đa phương và song phương bổ trợ nhau sẽ đặc biệt hữu ích. Quốc gia đầu mối có vai trò là các điểm trung tâm trong các mạng lưới thương mại và chuỗi cung ứng, làm trung gian cho những lưu chuyển lớn giữa các chuỗi giá trị, có đặc trưng là năng lực công nghệ tiên tiến, với trình độ công nghệ cao, năng lực tổ chức và logistics vững chắc.

Minh Anh