Điều đó có nghĩa là phải duy trì bền vững tăng trưởng GDP theo đầu người ở mức khoảng 6% mỗi năm và duy trì tăng trưởng năng suất lao động thậm chí còn cao hơn nữa ở mức 6,3%, trong điều kiện dân số ở độ tuổi lao động sẽ giảm tương đối. Điều đó cũng đòi hỏi tốc độ tăng trưởng tương lai còn cao hơn tốc độ tăng trưởng đầy ấn tượng trước đây của Việt Nam kể từ thập kỷ 1990. Nếu không đẩy mạnh tăng trưởng đầu tư và năng suất, mục tiêu như vậy có thể nằm ngoài tầm với.

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cao và bền vững

Nhận định của World Bank, theo kịch bản như hiện hành, tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Việt Nam theo dự báo sẽ giảm xuống mức bình quân hàng năm là 5% trong hai thập kỷ tới, chủ yếu do tăng trưởng nguồn cung lao động giảm, khiến cho thu nhập theo đầu người của Việt Nam sẽ không đạt ngưỡng của quốc gia thu nhập cao vào năm 2045.

Do đó, để đạt mục tiêu trên, yêu cầu đặt ra là đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, trên cơ sở nâng cao tăng trưởng năng suất và đầu tư. Tốc độ tăng trưởng năng suất bình quân của Việt Nam đạt 0,9% trong 10 năm qua, thấp hơn hầu hết các quốc gia so sánh, trong khi tỷ lệ tổng đầu tư (của của tư nhân và nhà nước) so GDP đạt 32%, cao hơn so với Thái Lan và Malaysia, nhưng thấp hơn so với Trung Quốc (43% GDP).

Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cao và bền vững
Đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng cao và bền vững

Theo World Bank, nếu Việt Nam chỉ dựa vào tăng năng suất, quốc gia cần duy trì bền vững tốc độ tăng trưởng năng suất hàng năm ở mức cao hơn nhiều so với mức 2% đến năm 2030 để đạt được mục tiêu thu nhập cao - là lộ trình giống của Hàn Quốc và Singgapore vào thời điểm các quốc gia đó đạt mức thu nhập theo đầu người như ở Việt Nam hiện nay. Mặt khác, nếu chỉ dựa vào tăng đầu tư, yêu cầu đặt ra là phải duy trì tỷ lệ đầu tư thiếu bền vững ở mức 49% GDP, thậm chí còn cao hơn tỷ lệ đầu tư cao ngoại lệ của Trung Quốc. Lộ trình để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 đòi hỏi phải kết hợp giữa tăng trưởng năng suất hàng năm 1,8% và tỷ lệ đầu tư ở mức 36% đến năm 2030, đó là mục tiêu tuy tham vọng nhưng có thể đạt được.

Chuyển đổi từ các hoạt động đem lại giá trị gia tăng thấp sang tham gia bền vững ở cấp độ tiên tiến hơn trong các chuỗi giá trị toàn cầu là thách thức còn khó hơn nhiều so với chuyển từ khai thác thương phẩm thô cơ bản sang chế tạo chế biến cơ bản và đòi hỏi cách tiếp cận đa chiều trong cải cách chính sách. Hàng loạt chính sách từ tự do hóa thương mại theo chiều sâu đến nâng cấp kỹ năng và phát triển hạ tầng có thể giúp các quốc gia đẩy nhanh quá trình tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tham gia ở cấp độ sâu hơn, và thu hái được lợi ích tốt hơn qua tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu.

Mặc dù Việt Nam có tiềm năng vươn lên vị thế cao hơn trong chuỗi giá trị, nhưng thành công không phải đương nhiên có được. Cũng như với những thành tựu trước đây, tiềm năng của Việt Nam chỉ có thể trở thành hiện thực thông qua liên tục cải cách cơ cấu và đầu tư chiến lược cho kết cầu hạ tầng và vốn nhân lực.

Để nâng cao vị thế tham gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu, vượt qua những hạn chế mới phát sinh trong nước và giảm nhẹ rủi ro trên toàn cầu, báo cáo của World Bank khuyến nghị năm gói chính sách bổ trợ nhau.

Năm gói chính sách bổ trợ nhau sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tận dụng các cơ hội xuất khẩu phát sinh nhằm làm chủ giai đoạn hội nhập thương mại và đầu tư toàn cầu tiếp theo.

Năm gói chính sách bổ trợ nhau

Gói thứ nhất, từ hạ thuế quan sang hội nhập thương mại khu vực sâu và hạ thấp rào cản thương mại phi thuế quan. Việt Nam đã hoàn thành tự do hóa thuế quan đáng kể nên không còn nhiều lợi ích để theo đuổi ở mảng này. Bước đi hợp lý tiếp theo là hạ thấp đáng kể các biện pháp phi thuế quan và tiếp tục tạo điều kiện đẩy mạnh tự do hóa. Hội nhập thương mại sâu, nhất là trong khu vực châu Á, là cách để tiếp tục đẩy mạnh tiếp cận thị trường, đa dạng hóa xuất khẩu và nhập khẩu.

Gói thứ hai, từ nền kinh tế kép chuyển sang hội nhập (sâu) các chuỗi giá trị trong nước. Việt Nam đang đứng sau các quốc gia so sánh về hội nhập nền kinh tế trong nước vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Chính vì thế, đẩy mạnh hội nhập sẽ đem lại những lợi ích vượt bậc về cơ hội kinh tế và bao trùm lên cả lực lượng lao động đang bị bỏ lại phía sau.

Gói thứ ba, từ gia công khâu cuối thâm dụng lao động chuyển sang các hoạt động thâm dụng công nghệ và kỹ năng đem lại giá trị cao: Nền tảng công nghiệp chế tạo chế biến thiên về xuất khẩu hiện nay của Việt Nam kết hợp với công nghệ số đang phát triển sẽ đem lại nhiều cơ hội dịch vụ hóa, qua đó đẩy mạnh giá trị gia tăng và nhu cầu kỹ năng cao. Hơn nữa, phát triển khu vực dịch vụ sẽ đỡ thâm thải các-bon hơn các hàng hóa chế tạo chế biến, đồng thời giảm nguy cơ mất việc làm do tự động hóa, qua đó nâng cao khả năng chống chịu.

Gói thứ tư, từ giáo dục cơ bản vững vàng chuyển sang hình thành lực lượng lao động có kỹ năng cao. Nâng cao năng lực của người lao động và cán bộ quản lý ở Việt Nam là mấu chốt cho toàn bộ các gói chính sách được xác định nhằm nâng cao vị thế tham gia trong các chuỗi giá trị toàn cầu; đồng thời giúp cho người lao động nâng cao khả năng chống chịu khi đối mặt với những công nghệ đột phá, tạo điều kiện ứng dụng công nghệ nhanh hơn.

Sản xuất xanh giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp
Sản xuất xanh giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Gói thứ năm, từ chế tạo chế biến thâm thải các-bon chuyển sang xuất khẩu các mặt hàng giảm thải các-bon và đảm bảo khả năng chống chịu. Ngành năng lượng thâm thải các-bon và sự phụ thuộc nhiều của xuất khẩu vào các mặt hàng chế tạo chế biến (thâm thải các-bon nhiều hơn so với dịch vụ phục vụ doanh nghiệp) của Việt Nam có nghĩa là hàng xuất khẩu của quốc gia phải chịu rủi ro nhiều hơn so với các quốc gia khác khi toàn cầu dịch chuyển sang thương mại ít thâm thải các-bon hơn. Đẩy mạnh đầu tư cho hạ tầng điện, đồng thời xanh hóa các lĩnh vực chế tạo chế biến, là hướng đi chính để duy trì năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Các chính sách đảm bảo cung ứng năng lượng sạch và thúc đẩy xuất khẩu xanh nên tập trung tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư cho hạ tầng điện xanh, hạ thấp các biện pháp phi thuế quan cho hàng hóa môi trường và định giá các-bon. Thận trọng giảm nhẹ tác động của chi phí năng lượng tăng lên đối với năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, bao gồm thông qua hỗ trợ tài chính có mục tiêu nhằm đẩy nhanh áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng và giảm thải các-bon.

Cách tiếp cận toàn diện với toàn bộ năm gói chính sách kết hợp có thể mở ra cơ hội tăng trưởng năng suất và đầu tư, là những điều kiện cần để trở thành nền kinh tế thu nhập cao.

Bà Manuela V. Ferro, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương khuyến nghị: “Để duy trì tăng trưởng nhanh chóng, Việt Nam cần chuyển đổi từ tham gia vào khâu lắp ráp cuối cùng thâm dụng lao động và có giá trị gia tăng thấp sang phát triển sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng cao hơn. Ngoài ra, trong bối cảnh thương mại toàn cầu thay đổi và bất ổn gia tăng, việc đa dạng hóa quan hệ đối tác thương mại và đầu tư sẽ rất cần thiết để xây dựng khả năng phục hồi và đảm bảo thành công lâu dài.”

Hội nhập khu vực và toàn cầu là động lực chính đem lại thành công kinh tế trước đây của Việt Nam. Việt Nam liệu có thể hoàn thành nguyện vọng trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045 hay không - hầu như sẽ phụ thuộc vào khả năng quốc gia có thể tiếp tục chuyển đổi và gia nhập vào làn sóng tiếp theo nhằm tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu ở các lĩnh vực dịch vụ và chế tạo chế biến đem lại giá trị gia tăng cao hơn, dựa trên cải thiện về công nghệ, kỹ năng và đổi mới sáng tạo.

Minh Anh