Theo thông tin từ ông Hạ Bá Lì, Phó Chủ tịch UBND xã Huồi Tụ, tình trạng trâu, bò bắt đầu xảy ra từ ngày 19/11 tại bản Huồi Mũ. Ban đầu, chỉ một vài con trâu chết bất thường, nhưng số lượng gia túc bị ảnh hưởng nhanh chóng gia tăng trong những ngày tiếp theo. Tổng cộng đã có 70 con trâu, bò nhiễm bệnh, trong đó 25 con đã chết.
Gia đình ông Lì Xái Phia là đơn vị thiệt hại nặng nề nhất, với 13 con trâu, bò chết. Điều đáng lo ngại là đây là lần đầu tiên bệnh ung khí thán được ghi nhận tại địa phương này.
Trước tình hình khẩn cấp, đoàn công tác gồm Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND xã Huồi Tụ đã nhanh chóng tiến hành kiểm tra, khoanh vùng dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Lì cho biết việc kiểm soát dịch gắp khó khăn do mô hình chăn nuôi khoanh thả rộng trong rừng.
Bệnh ung khí thán là bệnh truyền nhiễm cấp tính ở trâu, bò, do trực tiếp khuẩn Clostridium chauvoei gây ra, thường xuất hiện ở bắp thịt có khí. Trong thể cấp tính, bệnh tiến triển nhanh chóng trong 2-3 ngày hoặc tối đa 1 tuần, khiến trâu, bò có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. ở thể quá cấp tính, trâu, bò có thể chết trong vòng 3-6 giờ.
Hiện UBND huyện Kỳ Sơn cùng các cơ quan chức năng đã lấy mẫu trâu, bò chết để xét nghiệm nhằm tìm chính xác nguyên nhân đồng thời tìm phương pháp khoanh vùng dập dịch, điều trị bệnh. Tuy nhiên, do người dân chăn nuôi theo mô hình chăn thả trong rừng, việc phát hiện và điều trị bệnh gặp nhiều khó khăn.
UBND xã Huồi Tụ cũng đang huy động lực lượng phun tiêu độc, khử trùng các khu vực chuồng trại chăn nuôi có trâu, bò chết nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Chính quyền xã cũng yêu cầu người dân không giết mổ trâu, bò bị bệnh để tránh phát tán vi khuẩn ra môi trường.
Cơ quan chức năng khuyến cáo người dân tăng cường theo dõi sức khỏe đàn gia súc, báo cáo ngay khi phát hiện dấu hiệu bệnh. Đồng thời, người dân được nhắc nhở không giết mổ trâu, bò bị bệnh để tránh phát tán vi khuẩn ra môi trường.
Lê Quyết