Vì sao những siêu dự án chống ngập ở TP.HCM: Chưa chống đã bị...ngập? - Hình 1

TP.HCM đang bước vào những ngày cao điểm của mùa mưa

Dự án BT gần 10.000 tỷ, chưa chống đã ngập

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Bên mời thầu) trong tháng 5/2017 đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu Tư vấn giám sát hợp đồng Dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM đầu tư theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Gói thầu này có giá 35.486.996.233 đồng, Liên danh Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt Việt Nam - Công ty CP Tư vấn Xây dựng công trình hàng hải (CMB) - Công ty CP Tư vấn xây dựng và chuyển giao công nghệ Thăng Long 12 đã được lựa chọn với giá trúng thầu là 33.740.361.000 đồng. Theo thông tin từ Bên mời thầu, gói thầu này thực hiện theo loại hợp đồng trọn gói, thời gian thực hiện dự kiến đến 26/6/2019 cộng thêm 30 tháng thời gian bảo hành công trình.

Công trình đặt ra mục tiêu vô cùng tham vọng là kiểm soát ngập do triều cường và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố.

Đây là công trình chống ngập nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Đúng một năm sau khi được lựa chọn trúng thầu gói thầu nêu trên, Liên danh trúng thầu đã có động thái rõ ràng thể hiện trách nhiệm được giao trong hợp đồng. Cụ thể, tháng 5/2018, Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt Việt Nam đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về việc nhà đầu tư là Công ty CP Đầu tư - Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) sử dụng tiêu chuẩn vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không thống nhất từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công. Theo đó, nhà thầu của chủ đầu tư khi thi công đã sử dụng các tiêu chuẩn vật liệu khác với tiêu chuẩn đã được duyệt nhưng chưa được UBND TP.HCM chấp thuận. Sau báo cáo của đơn vị tư vấn giám sát, UBND TP.HCM đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tham mưu về vấn đề này, nếu đúng thì xác nhận khối lượng.

Trước đó, ngày 8/3/2018, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi UBND TP.HCM về đảm bảo chất lượng, tiến độ dự án này. Sau khi có báo cáo của Tư vấn giám sát, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM đã có công văn đề nghị thành lập Đoàn giám sát đánh giá Dự án.

Tưởng chừng với quyết tâm của chủ đầu tư và sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, công trình sẽ hoàn thành – ít nhất là đúng hạn. Tuy nhiên vào tháng 5/2018, Chủ đầu tư đột ngột cho biết công trình đã ngừng thi công hoàn toàn, dù khối lượng công việc hoàn thành đã lên đến 70%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động này của chủ đầu tư, nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là vì BIDV dừng giải ngân do thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án theo Phụ lục 02A.

Các vấn đề nảy sinh khiến TP.HCM phải có báo cáo “kêu cứu” gửi Thủ tướng. Đồng thời lập đoàn kiểm tra dự án, trong đó có nội dung đánh giá việc thay đổi tiêu chuẩn vật liệu thép cho hạng mục cơ khí cửa van. Phía công ty Meinhardt Việt Nam (đơn vị tư vấn giám sát dự án) – cho rằng, chủ đầu tư đã sử dụng vật liệu thi công cửa van không thống nhất với thiết kế (dùng thép có nguồn gốc Trung Quốc thay vì khối G7 và Nhật Bản).

Lẽ ra thời điểm này, người dân đã có thể yên tâm trước những cơn mưa ầm ập đổ xuống thành phố mỗi chiều, thì sau hai năm chờ đợi mọi thứ vẫn còn ngổn ngang và chưa biết khi nào kết thúc.

“Siêu máy bơm” cũng dừng...hoạt động

Gần như cùng thời điểm với dự án trên, giữa năm 2016 ông Nguyễn Tăng Cường cho biết có thể “cứu” các điểm ngập tại TP.HCM với hệ thống bơm hút ly tâm. Khi đó người đàn ông được mệnh danh là “vua thép” này cũng tuyên bố sẽ không lấy tiền nếu không hết ngập.

Đạt được thỏa thuận với thành phố, ông Cường chọn đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) – nơi được coi là “rốn ngập” của thành phố là nơi thí điểm. Sau nhiều tháng chế tạo, ngày 21/9/2017 “siêu máy bơm” hoạt động lần đầu. Kết quả sau 15 phút đã hút sạch lượng nước ngập từ 0,3-0,4m trên đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Trong nhiều cơn mưa sau đó chiếc máy bơm liên tục được sử dụng để đánh giá hiệu quả, cách thức hoạt động, hay quan trắc số liệu. Hiệu quả rõ rệt của công trình này đã khiến nhiều người lạc quan về dự án.

Tuy nhiên, việc hai bên không thể thỏa thuận được mức giá thuê thiết bị dù không ít lần ngồi lại bàn bạc, đã khiến máy bơm ngừng hoạt động. Trong khi ông Cường đề xuất giá thuê ở mức 24,4 tỷ đồng/năm (tương đương 171 tỷ trong 7 năm), còn Trung tâm chống ngập chỉ đề xuất mức giá 9,9 tỷ đồng/năm.

Như vậy, cho đến nay hai công trình nhận được sự kỳ vọng nhiều nhất đều đã dừng lại khi mọi thứ đang dang dở, còn người dân thì tiếp tục dắt díu nhau qua những đoạn đường ngập nước lúc tan tầm.

 Hải Đăng